Nam Từ Liêm – HN: Khiếu kiện xung quanh việc giành quyền nuôi con

(Kinhdoanhnet) - Quyết định của tòa án về việc ai là người nuôi con sau ly hôn, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Thế nhưng với trường hợp của anh Mạnh Cường (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội), mặc dù đủ điều kiện và tha thiết chăm lo cho hai đứa con, nhưng anh lại phải đối mặt với những thủ tục pháp lý chưa khách quan của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ….

Ngày 27/4/2012, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm đã ra Bản án số: 14/2012/ST-HNGĐ quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Nguyễn Mạnh Cường (trú tại số 1904 Tháp W, The Manor, Mỹ Đình, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Hội) với chị Vũ Mai Dung và giao hai hai con chung là Nguyễn Vũ Tuệ Giang và Nguyễn Khoa Vũ cho anh Cường trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc.

Sau khi bản án có hiệu lực một thời gian, chị Dung xin về ở cùng nhà với anh Cường do chưa có nơi cư trú và mong muốn được gần hai con. Anh Cường nể tình vợ chồng nhiều năm đã đồng ý cho chị Dung lưu lại tạm thời một thời gian.

Nam Từ Liêm – HN: Khiếu kiện xung quanh việc giành quyền nuôi con - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngay khi còn đang ở chung với chồng cũ và các con, chị Dung đã không thực hiện đúng thỏa thuận về phân chia tài sản tại Tòa án, khiến anh Cường buộc phải khởi kiện đến TAND quận Nam Từ Liêm để công nhận tài sản riêng cho anh Cường theo thỏa thuận đã tự nguyện phân chia phân trước đây.

Cùng lúc đó, chị Dung cũng khởi kiện việc xin thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh Cường cho rằng động cơ của việc này nhằm gây áp lực về việc xác định tài sản riêng. Trong quá trình giải quyết vụ án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh Cường nhận thấy có nhiều điều chưa rõ trong tiến trình thụ lý, xét xử vụ án, cụ thể như:

Tiến hành quá nhanh các tiến trình của vụ án:

Thông báo thụ lý vụ án số 46/TB-TLVA ghi ngày 04/3/2016 đến ngày 17/03/2016 anh Cường mới nhận được, và theo qui định sẽ có 15 ngày để nêu ý kiến và có quyền xin gia hạn về việc nêu ý kiến này.

Đến ngày 28/4/2016, anh Cường mới nhận được chuyển phát văn bảnThông báo của Tòa án, yêu cầu tự khai các giấy tờ ngày 20/4/2016, và thông báo ngày 28/4/2016 đến Tòa để hòa giải. Như vậy, đối với các Thông báo nhận được gần như đã hết hạn và qua thời hạn, anh Cường không thể tham gia theo yêu cầu của Tòa.  

Thế nhưng đến ngày 23/5/2016, anh Cường tiếp tục nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2016/QĐST-HNGĐ ghi ngày 09/5/2016 có nội dung mở phiên tòa ngày 25/5/2016. Điều đặc biệt là Quyết định này chỉ được bên chuyển phát bỏ lại qua khe cửa nhà anh, không có ai thông báo tống đạt Quyết định.

Đến chiều ngày 30/5/2016, anh Cường lại nhận được Quyết định hoãn phiên tòa ngày 25/5/2016 được vứt trên sàn nhà qua đường khe cửa chính, và nội dung ngày mở lại phiên tòa là ngày 03/6/2016.

Như vậy, tính từ ngày anh Cường nhận được Thông báo thụ lý và nộp tài liệu (30/3/2016) đến ngày ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa được 40 ngày. Anh Cường cho rằng đây là kỷ lục về thời hạn đưa vụ án ra xét xử của Tòa án tại Việt Nam.

Về việc giao nhận Quyết định hoãn phiên tòa: Theo Khoản 3 Điều 208 BLTTDS qui định: “Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo … đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Đến sáng ngày 30/5/2016, anh Cường có mặt tại Tòa án để nộp Đơn đề nghị thì mới được Thư ký Tòa án lập thủ tục tống đạt Quyết định hoãn phiên tòa. Khi anh Cường không đồng ý nhận vì giao sai qui định thì đến chiều cùng ngày (30/5/2016) khi về nhà anh Cường mới nhận được Quyết định này do được đơn vị chuyển phát bỏ lại trong nhà mà không hề có một thủ tục tống đạt nào.

Với tiến trình xét xử vụ án như trên, anh Cường cho rằng phía Tòa án có nhiều dấu hiệu không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Dẫn đến kết quả không đúng với thực tế, gây tổn hại về tinh thần, vật chất, điều kiện cho các bên liên quan, đặc biệt là điều kiện sinh hoạt học tập của các cháu nhỏ.

Anh Nguyễn Mạnh Cường đã làm Đơn khiếu nại gửi lên, TAND - VKSND Thành phố Hà Nội, TAND - VKSND quận Nam Từ Liêm, với đề nghị thay đổi xét xử lại bản án và không để Thẩm phán Đào Đức Cần tham gia tố tụng trong vụ án này.  Đồng thời đề nghị TAND quận Nam Từ Liêm ra quyết định hoãn phiên tòa dự kiến xét xử vào ngày 03/6/2016 để anh Cường có đủ thời gian và điều kiện để tiến hành thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ theo qui định pháp luật.

Việc giao cho ai là người có quyền nuôi con phải căn cứ vào quyền lợi và tương lai của chính người con. Các quyền lợi đó có thể là: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại…Tuy nhiên, khi vợ chồng ly hôn có tranh chấp quyền nuôi con thì vụ việc thường trở nên khá phức tạp, trong một số trường hợp tranh chấp vô cùng quyết liệt. Chính vì vậy, các Quyết định của tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và cần công tâm khách quan, nhằm đảm bảo lợi ích và hướng tới tương lai tốt đẹp của các con.

Bảo Ngân

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục