Cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An: Hàng trăm hộ ngư dân nghèo…kêu cứu!

(Kinhdoanhnet) - Hàng trăm hộ ngư dân nghèo tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cữu (tỉnh Đồng Nai) lâu nay sinh sống bằng nghề đánh bắt cá cơm, các kìm trên lòng hồ trị An hiện đang kêu cứu vì đứng trước nguy cơ thất nghiệp, tương lai cuộc sống sẽ đi về đâu…

Bị cấm làm nghề độ ngột, biết sống bằng nghề gì?

Trong những ngày qua, hơn 100 hộ ngư dân nghèo hiện đang sinh sống tại các xã La Ngà, Phú Cường, Phú Ngọc (huyện Định Quán) và xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) thuộc tỉnh Đồng Nai đang kêu cứu trước sự việc Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chấm dứt hợp đồng khai thác đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Trị An đối với họ.

Cụ thể, vào tháng 7-2015, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng khai thác đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Trị An đối với nghề khai thác thủy sản của bà con ngư dân. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016 Khu bảo tồn sẽ chấm dứt thực hiện hợp đồng khai thác thủy sản đối với các nghề khai thác lưới giã cào te cá cơm, cá kìm bằng đèn măng song đối với các hộ ngư dân nói trên.

Cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An: Hàng trăm hộ ngư dân nghèo…kêu cứu! - Ảnh 1
Hơn 100 hộ ngư dân nghèo tại các xã La Ngà, Phú Cường, Phú Ngọc, tỉnh Đồng Nai đang kêu cứu trước sự việc Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chấm dứt hợp đồng khai thác đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Trị An đối với họ.

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đưa ra lý do để chấm dứt hợp đồng với bà con ngư dân: “Kể từ năm 2009 khi tiếp nhận bảo quản hồ Trị An, các nghề khai thác thủy sản bằng các ngư cụ như lưới giã cào, te cá cơm... đến nay đã bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, lợi dụng công cụ phát điện gắn vào ngư cụ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đến tình hình trật tự trên mặt hồ, có khả năng gây xung dột giữa các ngư dân do các loại ngư cụ này thường phá, gây hư hỏng các loại ngư cụ khác cố định”.

Cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An: Hàng trăm hộ ngư dân nghèo…kêu cứu! - Ảnh 2
Ghe lưới của dân kéo lên bỏ không trên bờ

Nhưng theo nhận xét của bà con ngư dân, những năm gần đây, bà con ngư dân đã chấp hành nghiêm lệnh cấm của nhà nước về việc dùng ghe cào sử dụng công cụ phát điện gắn vào ngư cụ. Ông Nguyễn Văn Năm, ngư dân ở ấp 5 xã La Ngà huyện Định Quán cho biết bà con ngư dân đã dẹp bỏ hết việc sử dụng ghe cào sử dụng công cụ phát điện gắn vào ngư cụ. Riêng ghe cào cá cơm hoạt động cũng rất hiếm khi xảy ra việc làm ảnh hưởng hư hại đến những ngư cụ khác. Điều này không hề ảnh hưởng đến tình hình trật tự trên mặt hồ.

Bà con ngư dân bức xúc cho rằng, với trình độ học vấn thấp, quanh năm họ chỉ bám vào nghề đánh bắt cá truyền thống trên sông nước để sinh sống. Nhưng tháng 7-2015, bà con ngư dân nhận được thông báo của Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng khai thác thủy sản với bà con ngư dân đối với các nghề khai thác: lưới giã cào, te cá cơm bằng đèn măng sông, te cá kìm.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ ở ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) nói: “Hơn 20 năm qua, bà con ngư dân chúng tôi chỉ biết dựa vào nghề truyền thống đánh bắt cá trên lòng hồ này để sinh sống. Đồng thời ngư dân chúng tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho Nhà nước. Vì vậy, bây giờ bị cấm làm nghề cá, bà con ngư dân chúng tôi không biết cuộc sống tương lai sẽ đi về đâu?”.

Bao giờ được hỗ trợ chi phí đầu tư, chuyển đổi nghề?

Nhiều hộ gia đình quanh hồ Trị An cho biết, từ trước đến nay họ được ký hợp đồng khai thác thủy sản trên lòng hồ Trị An với nhiều đơn vị chủ quản. Hai năm nay Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý lòng hồ Trị An cũng ký hợp đồng cho bà con chúng tôi khai thác thủy sản, năm nào chúng tôi cũng đóng thuế đầy đủ. Điều đáng nói, vì được phép khai thác thủy sản, duy trì ổn định làm ăn qua nhiều năm nên bà con ngư dân đã tích góp tiền bạc để đầu tư ghe máy, ngư cụ để hoạt động.

Thực tế, hầu hết ngư dân không có ruộng vườn để thế chấp vay ngân hàng để nên phải vay tiền bên ngoài của tư nhân với lãi suất cao để đầu tư mua ngư cụ, lưới, tu sửa ghe máy (bình quân ghe máy và ngư cụ của mỗi hộ gia đình có giá trị trên 100 triệu đồng). Nay nếu ngưng khai thác thủy sản thì những thiệt hại về ngư cụ, máy ghe này sẽ xử lý như thế nào?

Cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An: Hàng trăm hộ ngư dân nghèo…kêu cứu! - Ảnh 3
Văn phòng Thanh tra Chính phủ tiếp nhận kiến nghị của hơn 100 hộ dân nghèo huyện Định Quán, Đồng Nai

Một cán bộ xã La Ngà nhìn nhận vấn đề: “Nhận thấy chủ trương cấm một số nghề khai thác các trên lòng hồ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trương mô sinh thiên nhiên trên lòng hồ là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ở đây vì cuộc sống ngư dân xưa nay họ đã gắn bó với nghề khai thác cá như vậy, có thành thành nghề truyền thống. Nay nếu đơn vị chủ quản có cấm ngư dân hành nghề thì nên tạo cho họ một hướng nghề khác để sinh sinh sống!”.

Vào tháng 12-2015, Thanh Tra Chính phủ đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai và đề nghị chính quyền địa phương xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ bà con ngư dân được chuyển đổi ngành nghề để tiếp tục lao động tạo ra kinh tế nuôi sống gia đình. Đồng thời xem xét hỗ trợ thỏa đáng chi phí mà ngư dân đã đầu tư.

Mới đây, ngày 17-3-2016, Khu bảo tồn thiên nhiên-Văn hoá Đồng Nai tổ chức cuộc họp đối thoại về việc chấm dứt hợp đồng làm nghề cào te cá trên hồ Trị An. Cuộc họp có các cơ quan, sở ngành chuyên môn, lãnh đạo các huyện cùng nhiều bộ bà con ngư dân về dự.

Tại cuộc họp đối thoại, nhiều hộ ngư dân bức xúc đặt vấn đề: “Khi nào bà con ngư dân được hỗ trợ chi phí đã đầu tư vào ghe máy, ngư cụ, đồng thời được tạo điều kiện chuyển đổi sang ngành nghề khác để sinh sống?”.  Ông Phạm Thanh Sơn-Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên-Văn hoá Đồng Nai đã trả lời là sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến đề nghị của bà con ngư dân để báo cáo lên cấp trên. Như vậy, thời gian cụ thể để thực hiện việc hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho ngư dân vẫn còn bỏ ngõ.

Xuân Huy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục