Cải tạo chung cư cũ ở Hải Phòng: Vừa mất nhà, vừa mất tiền

Năm 1994, khi Nghị định 61 ra đời, hàng triệu CBCNVC trên cả nước vui mừng, phấn khởi. Theo đó, những CBCNVC đang thuê nhà tập thể thuộc sơ hữu Nhà nước từ những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước thì sẽ được mua lại chính căn nhà đang ở với giá ưu đãi. Đây là chính sách chăm lo đến đời sống của những con người đã lao động, cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước.

Vào thời điểm đó (năm 1994) Nghị định 61 đã làm nức lòng hàng triệu CBCNVC khiến họ an cư và yên tâm công tác. Song, tại một trong những thành phố lớn nhất cả nước đã xảy ra một câu chuyện gây nhiều bức xúc, khiến cho quyền lợi chính đáng của hàng trăm CBCNVC bị ảnh hưởng, thậm chí là bị mất trắng. Đó là thành phố Hải Phòng.

Đã ngoài 80 tuổi và rất nhiều lần đề xuất trong gần 20 năm, nhưng người Đảng viên có 65 tuổi Đảng Đoàn Thị Hoành vẫn không được giải quyết việc mua nhà theo Nghị định 61. Theo đó, bà Hoành được thuê của Nhà nước căn hộ số 58, tầng 1, nhà 5 tầng D3, Khu tập thể Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền từ năm 1972. Chiểu theo Nghị định 61, tại thời điểm năm 1994 thì gia đình bà Hoành đủ tiêu chuẩn để mua lại căn nhà đang thuê đang thuê của Nhà nước với giá 0 đồng. Quy định của Chính phủ là vậy nhưng với những CBCNVC ở khu tập thể Đồng Quốc Bình thì nó không bao giờ đến được với họ. Hay nói cách khác, chính quyền thành phố Hải Phòng vẫn cứ để Nghị định nằm trên giấy đối với những cư dân của khu tập thể này.  Đằng đẵng hơn 20 năm trôi qua, những con người đã đóng góp công sức, trí tuệ...trong những giai đoạn phát triển khó khăn của đất nước không được chính quyền các cấp và qua nhiều nhiệm kỳ của thành phố Hải Phòng quan tâm. Hay nói trực ngôn là bỏ mặc.

Bà Lê Thị Mai số nhà 22 D5 khu tập thể Đồng Quốc Bình có đồng quan điểm khi cho rằng việc gia đình bà về đây sinh sống từ những năm 79, 80 của thế kỷ trước nhưng lại không được hưởng chính sách theo nghị định 61 là không thỏa đáng. Khi thực hiện dự án cải tạo chung cư khu tập thể Đồng Quốc Bình, về phía chủ đầu tư và các cấp chính quyền nơi đây đã không bàn bạc, thỏa thuận với dân. Theo anh Nguyễn Thành Long, nhà số 4 D3 thì người dân không được có quan điểm mà chỉ được mời đến để nghe phổ biến chính sách cải tạo chung cư khu tập thể Đồng Quốc Bình. Anh Long cũng cho biết, khi người dân chưa đồng ý rời đi thì phía chủ đầu tư là tập đoàn Hoàng Huy đã tự ý thi công khiến gạch vữa rơi vãi rất nguy hiểm cho cuộc sống hiện tại. 

Cải tạo chung cư cũ ở Hải Phòng: Vừa mất nhà, vừa mất tiền - Ảnh 1
Tập đoàn Hoàng Huy đang thi công tại khu tập thể Đồng Quốc Bình

Bức xúc xen lẫn tủi thân là những gì PV ghi lại được khi tiếp xúc với người dân ở Khu tập thể Đồng Quốc Bình. Bức xúc là quyền lợi chính đáng không được giải quyết. Tủi thân là những đồng nghiệp của họ trên cả nước nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, còn bản thân thì vẫn ngóng trở trong vô vọng. Một cán bộ hưu trí ở nhà D5 đã thốt lên: “Hải Phòng của chúng tôi là như vậy đó!”.

Trong khi hàng trăm hộ CBCNVC không được mua nhà theo Nghị định 61 thì xảy ra một sự việc khiến dư luận tại đây xôn xao là vào năm 2002 và 2004, có 2 hộ dân được mua nhà theo tinh thần của Nghị định 61. Theo như giải thích của cấp có thẩm quyền thì đây là 2 hộ thuộc diện “Lão thành cách mạng” nên được hưởng “ưu đãi”. Tuy nhiên, lật giở lại quá khứ thì một hộ đã chuyển nhượng hợp đồng từ trước đó. Còn một hộ, theo phản ánh của người dân Khu tập thể Đổng Quốc Bình thì không phải là lão thành cánh mạng.

Nỗi bức xúc của các CBCNVC nơi đây cứ chồng chất và đỉnh điểm là đầu năm 2017 UBND TP Hải Phòng phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Đổng Quốc Bình đi kèm theo đó là thông báo thu hồi lại căn nhà của các hộ dân. Đến lúc này thì tính ưu đãi của Nghị định 61 đã bị “xóa sổ” và người dân hoang mang khi quyền lợi của mình bị mất trắng.

Việc ra đời chung cư mới sẽ khiến những CBCNVC ở Khu tập thể Đồng Quốc Bình đối mặt với 2 nỗi lo. Một nỗi lo như đã nói là mất trắng quyền lợi. Nỗi lo thứ 2 là sẽ phải trá giá thuê nhà cho chủ đầu tư theo giá thị trường, trong khi giá thuê nhà hiện tại chỉ từ 200-250 ngàn đồng/tháng. Những điều này đồng nghĩa với việc CBCNVC ở Khu tập thể Đổng Quốc Bình không những không mua được nhà theo Nghị 61 mà tự nhiên còn phải mất thêm chi phí ngoài mong muốn. Tức là CBCNVC vừa mất nhà, vừa mất tiền! Cách làm của thành phố Hải Phòng đã đẩy người dân vào tình thế chồng chất khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Khánh Hải – Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Quốc Bình xác nhận những lo lắng này của người dân. Ông Hải cho biết, giá thuê căn hộ mới sẽ tính theo m2. Tuy nhiên, TP Hải Phòng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc này.

Trong khi đó, 2 hộ dân được mua nhà và được cấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất được bồi thường về nhà và đất và được tái định cư ở nhà liền kề mặt đất khi Khu tập thể Đổng Quốc Bình được xây lại.

Theo tìm hiểu của PV, do là nhà thuê của Nhà nước nên khi thu hồi để cải tạo, xây dựng lại, người dân chỉ được hỗ trợ, bồi thường vật kiến trúc cải tạo trong diện tích nhà được thuê, khuôn viên; hỗ trợ ổn định cuộc sống… Theo phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND quận Ngô Quyền thì hộ thấp nhất trên tầng 5 được hỗ trợ hơn 37 triệu đồng, hộ cao nhất ở tầng 1 được nhận đến trên 400 triệu đồng.

Trong một nỗ lực nhằm làm rõ việc tại sao hàng trăm hộ tại Khu tập thể Đổng Quốc Bình (nhà tầng từ D1 – D8) lại không được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa nhận được những câu trả lời thỏa đáng. Theo đó, Công ty này thừa nhận sau khi có NĐ 61 rất nhiều CBCNVC ở Khu tập thể Đổng Quốc Bình có đơn xin mua nhà nhưng nếu bán sẽ tạo ra “sở hữu hỗn hợp rất khó quản lý” nên doanh nghiệp này đã có đề xuất với thành phố không bán nhà đối với các khu tập thể cao tầng như Đổng Quốc Bình.

Theo tìm hiểu của PV, đến tận năm 2006 (tức là sau 12 năm Nghị định 61 ra đời), UBND TP HP mới phê duyệt “Đề án Bán nhà số 46/ĐA-KDN ngày 17/7/2006 về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo NĐ 61/CP đến hết năm 2006 do Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng lập. Sau đó, UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 5201/UBND-XD ngày 31.8.2006 giao Sở Xây dựng chỉ đạo công ty trên thực hiện việc công khai các khu vực bán và không bán.

Điều này cho thấy phản ánh của người dân Khu tập thể Đổng Quốc Bình về việc thành phố Hải Phòng không chịu thực hiện Nghị định 61 là có cơ sở.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong những số báo tiếp theo.

                                                                                                          Hữu Nam

 



KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục