Hợp tác xã Thành Công nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của người lao động

̣(Kinhdoanhnet) - Tính đến hết ngày 30/9/2017, Hợp tác xã Thành Công còn nợ hơn 5 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của 544 người lao động, trong vòng 7 tháng.

Hợp tác xã Thành Công nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của người lao động - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Nợ hàng tỷ đồng BHXH, BHYT

Hợp tác xã Thành Công (địa chỉ tại số 145 đường Hồ Mễ Trì - Nhân Chính  - Thanh Xuân - Hà Nội), là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực Xã hội hóa vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố Hà nội, được thành lập ngày 20/12/2000 đăng ký kinh doanh số 0012TX (thay đổi lần thứ 12 ngày 11 tháng 01 năm 2017) do Uỷ ban nhân dân Quận Thanh Xuân cấp.

Hợp tác xã chính thức nhận địa bàn và đi vào hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường từ tháng 04/2002 đến nay. Hợp tác xã đã đạt được những thành quả rất cao, được Thành phố và các sở, ban, ngành chức năng khen ngợi. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, mới đây Hợp tác xã Thành Công lại "mang tiếng xấu" khi bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội "bêu tên" vì nợ tiền BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động.

Theo đó, thông tin từ Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2017, Hợp tác xã Thành Công còn nợ hơn 5 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của 544 người lao động, trong đó số nợ đã lên tới 7 tháng.

Ngày 16/11/2017, trao đổi với phóng viên Phapluatplus.vn về sự việc trên, đại diện Hợp tác xã Thành Công cho biết: Sau khi nhận được thông báo từ phía Bảo hiểm xã hội, Công ty đã nộp được hơn 2 tỷ đồng số nợ trên. Đến thời điểm hiện tại Công ty còn nợ khoảng từ 3,3 tỷ đến 3,7 tỷ đồng của khoảng 560 người lao động. Và phía Công ty cũng đã có cam kết với Bảo hiểm xã hội về lộ trình trả số nợ tiền BHXH, BHYT trên.

Về nguyên nhân đại diện Công ty cho biết: Một phần do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, kế hoạch chi trả chậm... nên dẫn đến sự việc trên.

Hợp tác xã Thành Công nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của người lao động - Ảnh 2
Một hóa đơn thanh toán tiền nợ BHXH, BHYT của người lao động.

 

Theo đánh giá của nhiều cán bộ BHXH, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng nói trên là do một số doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm ăn thua lỗ nên khó thực hiện được ngay, đúng theo quy định của Luật BHXH đối với người lao động.

Bên cạnh đó là hiện tượng có doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình, họ lấy quỹ bảo hiểm đã thu dùng vào việc kinh doanh để giảm vốn vay ngân hàng nhằm trục lợi.

Trước sự việc trên dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không việc vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm ăn thua lỗ dẫn đến việc Hợp tác xã Thành Công nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của người lao động.

Hay có việc cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình nhằm trục lợi.

Chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ bị tù

Theo Luật Hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, chủ doanh nghiệp sẽ chịu mức phạt tù có thể lên tới 7 năm và tiền phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng.

Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động) quy định: Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Các hành vi phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng.

Điếu 216 cũng quy định phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các hành vi: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đến một tỷ đồng.

Trường hợp nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: trốn đóng bảo hiểm một tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng.

Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với khung hình phạt tăng nặng sẽ ngăn ngừa hành vi trục lợi, nhất là đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chín đáng và giải quyết chế độ, chính sách BHXH kịp thời cho người lao động.

 

Pháp luật plus sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Phapluatplus.vn

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục