Cần làm rõ việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam?

(Kinhdoanhnet) - Nhiều năm nay hàng nghìn m2 đất tại số 2 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam 'xẻ thịt' cho thuê làm quán bia, quán ăn, cafe, yoga, tổ chức đám cưới?

Mới đây, Báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc đang xảy ra tình trạng "xẻ thịt" đất vàng cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Có mặt tại địa điểm được phản ánh, PV Báo Kinh doanh và Pháp luật ghi nhận trên diện tích đất hàng nghìn m2 thuộc quyền quản lý của Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật việt nam xuất hiện nhiều quán bia, cafe, nhà hàng, quán photocoppy, yoga, coi xe ô tô.

Cần làm rõ việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam? - Ảnh 1
Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư.

Tìm hiểu được biết, ngày 10/10/1997 Chính phủ có Quyết định số 848/TTg về việc giao đất để xây dựng Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo đó Chính phủ thu hồi 12.730 m2 đất tại số 47 Lê Đại Hành (nay là số 2 Hoa Lư) phường Lê Đại Hành và giao toàn bộ diện tích đất trên cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sử dụng xây dựng công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Ngày 3/3/2014, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo đó Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam có chức năng chính là tổ chức triển lãm, hội trợ, giao lưu giới thiệu văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế. Cũng tại Điều 2 của Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL đã thể hiện rõ nhiệm vụ và quyền hạn với 10 điểm, trong đó nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động dịch vụ triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật, hội trợ - triển lãm, quảng cáo, thể thao, du lịch.

Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện tại nhiều diện tích đất thuộc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam lại đang được sử dụng không đúng mục đích?

Cần làm rõ việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam? - Ảnh 2
Quán nhậu hoạt động ngày đêm trên diện tích đất của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, ông Kiều Văn Định, Giám đốc Trung tâm dịch vụ - Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết: "Trung tâm có chức năng cho thuê, quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ghi rõ là có chức năng làm các loại dịch vụ để phục vụ đồng bào, bà con thập phương về đây tham gia triển lãm, thậm chí còn xây cả nhà nghỉ, khách sạn để đồng bào về đây nghỉ. Theo quy định chức năng của Trung tâm theo Nghị định 43 và Nghị định 10 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ thì Trung tâm được phép làm như thế. Trung tâm làm mấy chục năm rồi, giấy tờ có đầy đủ chứ không phải hiện nay mới làm, nếu làm sai thì Cục Công sản, Bộ Tài chính sẽ đến thu hồi ngay".

Ông Kiều Văn Định cũng cho biết: Trung tâm có hợp đồng liên kết kinh doanh với các các tổ chức, cá nhân theo tỷ lệ Trung tâm góp mặt bằng, nhân công, đối tác góp về cơ sở vật chất, chuyên môn, lợi nhuận chia theo tỷ lệ góp vốn.

Cần làm rõ việc "xẻ thịt" đất cho thuê tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam? - Ảnh 3
Chốt bảo vệ biến thành cửa hàng Photocopy.

Ở một khía cạnh khác, theo tìm hiểu được biết hằng năm Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam vẫn tiêu hàng chục tỷ đồng từ tiền ngân sách Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2014, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tiêu khoảng 23 tỷ đồng/năm tiền ngân sách từ Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh ở đây phải bỏ tiền thuê mặt bằng chứ không hề có hoạt động liên kết kinh doanh như ông Định nói. Không chỉ có thuê mặt bằng mà lợi dụng lợi thế mặt bằng, Trung tâm còn tổ chức trông giữ xe ô tô với mức thu phí cao.

Được biết, tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm đầu mối tiến hành xác minh, từ đó đưa ra hướng xử lý tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, Trung tâm đã để xảy ra tình trạng thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành và nhiều sai phạm trong công tác tài chính.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 3 công văn số 4094/VPCP-KTN ngày 30/5/2016 về kết quả kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại nhà, đất đã được phê duyệt của các Bộ, ngành, Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước trên địa bàn Hà Nội. Căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn số 2107/BXD-KHTC ngày 27/9/2016 và công văn của UBND thành phố Hà Nội; Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước thực hiện phương án xử lý đối với việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định một phần diện tích mà không thể tách ra thành một cơ sở độc lập. Đề nghị các cơ quan thực hiện chấm dứt ngay việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trước ngày 31/12/2016; đồng thời thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, liên doanh, liên kết vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. 

 

Vậy việc cho thuê đất làm địa điểm kinh doanh tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam có được phép hay không? Nguồn lợi thu về từ hoạt động cho thuê đất sẽ được quản lý và sử dụng ra sao? Các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này để tránh tình trạng lợi ích nhóm gây thất thu ngân sách nhà nước.

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Đức Thiện

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục