Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép

(Kinhdoanhnet) - Năm 2015 trên địa bàn TP Hà Nội có khá nhiều công trình xây dựng sai phép, trái phép. Có những công trình đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế, tháo dỡ, nhưng cũng có những công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ kéo theo việc xuất hiện của hàng loạt những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình được phép xây dựng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thì lại có hàng loạt những ngôi nhà cao tầng vượt phép và không phép ngang nhiên tồn tại, gây nên nhiều bức xúc cho người dân và các cơ quan quản lý.

1. Công trình khủng “nhòm” xuống lăng Bác

Như đã biết, tòa nhà Kinh Đô Tower tại số 8B Lê Trực chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao thêm khoảng 16m, tương đương 5 tầng và xây dựng thêm tầng 19.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 1

Sáng ngày 21/11, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đã bắt đầu tiến hành phá dỡ phần xây dựng sai phép của tòa nhà này với việc “cắt ngọn” tầng tum trước hạn chót 22/11, tiếp đó sẽ là các tầng sai phạm. Tuy nhiên việc xử lý đang mang tính hình thức và đối phó…

Trước sự việc này, ngày 30/9/2015, theo yêu cầu của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng về dự án tại 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Theo đó, những vi phạm chủ yếu tại dự án số 8B Lê Trực: Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt khoảng 16 m, tương đương với 5 tầng). Ngoài ra chủ đầu tư còn tự ý tăng diện tích sàn xây dựng, không xây dựng giật cấp theo đúng thiết kế, không để khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế…

2. Dự án Thăng Long Garden với nhiều sai phạm

Dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai) do Công ty Cổ phân May Thăng Long làm chủ đầu bị khách hàng “tố” xây dựng nhiều hạng mục sai so với thiết kế được phê duyệt.

Khách hàng mua căn hộ tại dự án này rất bức xúc khi phát hiện chủ đầu tư xây dựng các công trình sai so với Quy hoạch TMB tỷ lệ 1/500 và Phương án kiến trúc được duyệt cùng Giấy phép xây dựng được cấp kèm theo hồ sơ thiết kế.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 2
 Sai phạm tại dự án Thăng Long Garden

Nhiều diện tích cây xanh, thảm cỏ tại dự án này đã bị chủ đầu tư chiếm dụng và xây dựng thành các tòa nhà. Bởi theo bản vẽ Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội duyệt kèm theo văn bản số 1123/QHKT-P2 ngày 10/6/2008, tổng diện tích cây xanh, vườn hoa là 2.705m2 chiếm 20,5 % diện tích đất dự án, tổng diện tích đất giao thông, đỗ xe 5.835 m2 chiếm 44,2% diện tích đất dự án, và đường giao thông dẫn vào khu nhà A2, A3 chạy bên sườn Đông nhà A1 có lòng đường 9m, vỉa hè mỗi bên 2m.

Bên cạnh đó, theo Phương án Kiến trúc sơ bộ được Sở Quy hoạch Kiến trúc duyệt kèm theo văn bản số 1123/QHKT-P2 và Giấy phép xây dựng số 33/GPXD cấp ngày 18/3/2011 kèm theo Hồ sơ thiết kế của Sở Xây dựng Hà Nội, hành lang nhà A3 rộng 2,4m (trục 3-4). Trên thực tế, Công ty đã thi công cắt giảm còn 2,1m.

Ngoài các sai phạm so với bản vẽ Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, tại dự án này còn rất nhiều những sai phạm nghiêm trọng khác.

Sau khi UBND, Bộ Xây dựng có chỉ đạo về xử lý những sai phạm này, UBND phường Minh Khai đã ban hành 4 Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.

3. Hàng loạt công trình sai phạm đang “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ

Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) có tổng diện tích khoảng 26,43ha được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 29/12/2000, do Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư.

Thay bằng việc phát triển công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội thì nhiều năm nay, công viên đang bị “xẻ thịt” kinh doanh trái phép. Theo kiểm tra của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô tồn tại nhiều hạng mục công trình đang khai thác sử dụng không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, nhà hàng Queen Bee gần khu ống trượt nước cảm giác mạnh vốn là đất quy hoạch trồng cây xanh nhưng hiện đã xây dựng nhà hàng 2 tầng kinh doanh ăn uống. Công trình khu văn phòng công ty theo quy hoạch là khu nhà văn hóa, ban quản lý dự án và các hoạt động.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 3
Nhà hàng Qeen Bee kinh doanh trên diện tích đất quy hoạch xây dựng cây xanh

Công viên có 12 sân tennis, trong đó 4 sân có mái che, 8 sân không có mái che (theo quy hoạch vị trí này chỉ có 4 sân tennis ngoài trời không có mái che, còn lại là vườn cây xanh). Ngoài ra, 3 sân bóng đá mini theo quy hoạch là khu nhà văn hóa, ban quản lý dự án và các hoạt động.

Trước những sai phạm kéo dài trên, ngày 21/7/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có kết luận, yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý.

4. Công trình 184 Phương Liệt không có giấy phép cải tạo sửa chữa, thay đổi công năng tòa nhà nhưng sau 3 năm ròng công trình này vẫn bình yên vô sự.

Người dân sống tại phố Phương Liệt (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã nhiều lần phản ánh về công trình 184 phố Phương Liệt. Trong 3 năm cải tạo, xây dựng đã đổ nguyên vật liệu tràn lan ra đường, bụi bẩn… gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 4
Công trình 184 Phương Liệt không những sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, lấn chiếm khoảng lưu không,… mà còn gây nhiều phiền toái đến người dân xung quanh

Theo người dân cho biết, chủ đầu tư 184 Phương Liệt là ông H., đồng thời ông H. cũng là chủ nhân ngôi nhà số 9 và 9A ngõ 81 Trường Chinh. Công trình 184 Phương Liệt không những sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, lấn chiếm khoảng lưu không,… mà còn gây nhiều phiền toái đến người dân xung quanh.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 5
Cả chính quyền và chủ đầu tư đều cho rằng chỉ sai “chút xíu” ở cái tum này thôi

Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh đến UBND phường Phương Liệt nhưng 3 năm nay công trình 184 vẫn “túc tắc” hoàn thiện mà chưa có hướng xử lý dứt điểm. Liệu UBND phường Phương Liệt có “nhập nhèm” trong chuyện xử lý trường hợp vi phạm này ?

5. Công trình sai phép tại số 53 Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ

Theo phản ánh của bạn đọc, mặc dù quy định trong khu vực phố cổ chỉ được xây dựng không cao quá 3 tầng nhưng công trình tại số 53 Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã xây vượt đến 5 tầng và còn thể xây cao hơn nữa.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 6
Công trình này được thông tin chủ đầu tư là ông Văn Tiến Đạt, được UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép xây dựng số 178 ngày 30/6/2015. Tuy Quyết định của Thành phố Hà Nội chỉ được xây không quá 3 tầng nhưng chủ đầu tư đã cho công trình này xây lên đến 5 tầng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình sai phép trên do ông Văn Tiến Đạt làm chủ đầu tư. Giấy phép xây dựng công trình mang số 178 được cấp ngày 30/6/2015, cơ quan cấp giấy phép là UBND quận Hoàn Kiếm. Ngày khởi công của công trình là ngày 01/8/2015 và dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2016.

Quan sát thời điểm hiện tại thì công trình của ông Đạt đang xây dựng đến tầng thứ 5 và vẫn đang tiếp tục xây. Điều kì lạ ở đây là mặc dù công trình này chỉ cách UBND phường Hàng Bồ không xa nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch.

Công trình này được thông tin chủ đầu tư là ông Văn Tiến Đạt, được UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép xây dựng số 178 ngày 30/6/2015. Tuy Quyết định của Thành phố Hà Nội chỉ được xây không quá 3 tầng nhưng chủ đầu tư đã cho công trình này xây lên đến 5 tầng.

Theo quy định của UBND TP. Hà Nội, tất cả các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, từ 1-3 tầng. Chỉ có rất ít một số tuyến phố như: Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật…được phép cao 16-20m. Vì sao một công trình vượt tầng nằm ngay mặt phố lại không bị UBND phường Hàng Bồ và thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm “ tuýt còi”.

Trao đổi với phóng viên, một người dân gần công trình bức xúc cho biết: "Chúng tôi chỉ cần sửa chữa nhỏ trong nhà cũng thấy sự có mặt của UBND phường, đằng này một công trình to lớn như vậy lại vô tư sai phạm mà không có lực lượng chức năng đến xử phạt, ngăn chặn thì thật vô lý, không coi luật pháp ra gì nữa".

6. Nhà số 183 Bà Triệu – Phưòng Lê Đại Hành

Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực này thì công trình “khủng” này xây rất cao mà không hề rõ của tư nhân hay doanh nghiệp. Theo quan sát của phóng viên, cả khu vực Bà Triệu chưa có công trình nào được cấp phép cao như vậy. Trước đó có thông tin đã nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt, tuy nhiên công trình vẫn xây lên và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 7
 Nhà số 183 Bà Triệu Phưòng Lê Đại Hành hiện đang đi vào hoàn thiện với chiều cao 8 tầng 1 tum

Hiện trạng của tòa nhà là 8 tầng 1 tum. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc với chính quyền và TTXD nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do.

7. Nhà số 27 ngách 117/28 đường Xuân Đỉnh-phường Xuân Tảo. Xây dựng sai phép từ 5 tầng lên 7 tầng.

Mặc dù hộ bà Nguyễn Thị Nguyệt (địa chỉ số 27/117/28 đường Xuân Đỉnh và ông Lưu Hoàng Lâm (địa chỉ vi phạm ngõ 42 đường Xuân Đỉnh) đã bị Đội TTXD quận Nam Từ Liêm ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, sau quyết định xử phạt, hiện tại căn nhà 7 tầng của bà Nguyệt gần như đã hoàn thiện xong phần ngoài.

Bài 1 - Hà Nội: Một năm “được mùa” của những công trình xây dựng sai phép, không phép - Ảnh 8
 Nhà số 27 ngách 117/28 đường Xuân Đỉnh-phường Xuân Tảo. Xây dựng sai phép từ 5 tầng lên 7 tầng.

Lý giải việc suốt một thời gian dài ngành chức năng quận Bắc Từ Liêm vẫn lừng chừng việc xử lý sai phạm tại phường Xuân Tảo, ông Nguyễn Ngọc Mạnh - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận giải thích: Để cưỡng chế công trình sai phép, UBND cấp phường phải xây dựng kế hoạch, trình cấp UBND quận xem xét. Sau đó, UBND quận mới ra quyết định, Thanh tra xây dựng chỉ là một thành viên trong đoàn cưỡng chế. "Quan điểm của chúng tôi là đã sai phạm thì phải kiên quyết xử lý" - ông Mạnh cho biết.

(Còn tiếp) 

Đình Dũng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục