Agribank chi nhánh Hà Nội có thu giữ tài sản trái pháp luật?

(Kinhdoanhnet) - Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịchThịnh Hưng (Cty Thịnh Hưng) có địa chỉ tại số 68 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nội dung đơn tố cáo sai phạm của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Hà Nội (AgriBank – Hà Nội) khi tiến hành thu giữ tài sản và giam giữ người của Cty Thịnh Hưng trái pháp luật tại trụ sở Cty Thịnh Hưng vào ngày 15/12/2017.

Cuộc cưỡng chế đầy quyền lực?

Theo phản ánh của Cty Thịnh Hưng, vào hồi 06 giờ ngày 15/12/2017, tại trụ sở công ty xuất hiện một nhóm người mặc sắc phục bảo vệ đến dùng khóa sắt khóa trái lại cổng công ty và không cho nhân viên của công ty ra ngoài. Tiếp đó, vào hồi 07 giờ 30 phút, có một đoàn người đến phá khóa cửa cổng của công ty đang khóa, họ vào Công ty tự xưng là thành viên trong Hội đồng thu giữ tài sản của Agribank - Hà Nội và đề nghị toàn bộ nhân viên đang ở bên trong trụ sở Công ty ra ngoài, sau đó họ ra lệnh cho những người mặc đồng phục bảo vệ dùng khóa sắt của họ khóa cổng trụ sở Công ty và không cho bất kỳ ai vào.

Đến 09 giờ 40 phút cùng ngày, có một người đứng trước cổng trụ sở của Cty Thịnh Hưng đọc Quyết định thu giữ tài sản của Giám đốc Agribank - Hà Nội (Quyết định này Cty Thịnh Hưng chưa được nhận), sau đó họ vào trụ sở của Công ty kiểm kê và dán niêm phong toàn bộ tài sản. Đại diện của Công ty đã yêu cầu được xem Quyết định thu giữ tài sản này vì trước đó chưa được phía ngân hàng gửi, nhưng họ không giao,đại diện Cty Thịnh Hưng đã kịch liệt phản đối việc làm của họ, nhưng họ đã dùng số đông bảo vệ được thuê trấn áp những người đại diện của Cty Thịnh Hưng.

Vì không biết được lý do bị thu giữ tài sản, đại diện Cty Thịnh Hưng đã không đồng ý bàn giao tài sản theo yêu cầu của Agribank - Hà Nội và đã ở trong trụ sở của công ty để bảo vệ tài sản hợp pháp của mình. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, theo lệnh của đại diện Agribank - Hà Nội, đội bảo được ngân hàng thuê đã khóa trái cửa cổng trụ sở trong khi cán bộ của Cty Thịnh Hưng đang ở phía trong, đến 22 giờ 30 phút cùng ngày họ mới mở khóa cổng để cho những cán bộ của Cty  ra ngoài.

Agribank chi nhánh Hà Nội có  thu giữ tài sản trái pháp luật? - Ảnh 1
Đại diện ngân hàng AgriBank Chi nhánh Hà Nội đang đọc quyết định thu giữ
tài sản của công ty Thịnh Hưng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 18/09/2009. Cty Thịnh Hưng có ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số công chứng 2278.2009/HĐTD với  AgriBank - Hà Nội, theo đó Cty Thịnh Hưng sẽ dùng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thôn Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là số 68 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) để bảo lãnh cho các khoản vay của công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất khẩu và Hợp tác ASEM (Công ty ASEM).

Sau đó,  Cty Thịnh Hưng đã phát hiện Công ty ASEM đã gian dối trong việc ký kết Hợp đồng thế chấp kể trên và tạo dựng các hồ sơ vay vốn giả nhằm mục đích vay vốn của ngân hàng để sử dụng mục đích cá nhân. Ngoài ra, Cty Thịnh Hưng phát hiện chữ ký của người đại diện cho Cty Thịnh Hưng trong Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp ký ngày 18/09/2009 tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội là do người khác giả mạo. (Điều này đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận tại Kết luận điều tra vụ việc số: 08/C46-P10 ngày 16/01/2017).

Agribank chi nhánh Hà Nội có  thu giữ tài sản trái pháp luật? - Ảnh 2
Khu vực đất bị lực lượng an ninh phong tỏa.

Sau khi biết được những thông tin trên, để bảo vệ quyền lợi của mình, Cty Thịnh Hưng đã làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội yêu cầu Tòa án giải quyết sự việc theo thủ tục tố tụng và đã được Tòa án đồng ý tiếp nhận hồ sơ khởi kiện.

Được biết, ngày 01/12/2017. Bà Phạm Thị Hằng Giám đốc AgriBank – Hà Nội ký quyết định số 4398 về việc thu giữ tài sản đảm bảo là thửa đất tại số 68 Đỗ Đức Dục đối với Cty Thịnh Hưng.

Agribank chi nhánh Hà Nội có  thu giữ tài sản trái pháp luật? - Ảnh 3
Agribank chi nhánh Hà Nội có  thu giữ tài sản trái pháp luật? - Ảnh 4
Quyết định số 4398 về việc thu giữ tài sản đảm bảo là thửa đất tại số 68 Đỗ Đức Dục đối với Cty Thịnh Hưng.

Theo nội dung của quyết định này thì Agribank - Hà Nội đã căn cứ vào các quy định của Nghị định số: 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm ngày 29/12/2006 của Chính Phủ để tiến hành thu giữ tài sản. Đây là nghị định được ban hành để hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự 2005 và đã hết hiệu lực áp dụng kể từ khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2017. Ngoài ra, Agribank - Hà Nội còn  áp dụng các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 để tiến hành thu giữ tài sản. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 thì:  “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2017. Tại Điều 17 của Nghị quyết có quy định:

“1. Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thực hiện theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này…”.

Như vậy, để thu giữ tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng phải ưu tiên áp dụng các quy định tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Thực tế trước đây Agribank - Hà Nội thông báo tới Cty Thịnh Hưng là sẽ tiến hành xử lý tài sản theo quy định vủa Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, do Cty Thịnh Hưng đã có Công văn số: 02/12/2017/CV ngày 12/12/2017 gửi  AgriBank -  Hà Nội để phản đối và khẳng định Agribank -  Hà nội không đủ các điều kiện để thu giữ tài sản theo quy định của Nghị quyết số 42; sau khi nhận được công văn, Agribank - Hà Nội xét thấy không đủ cơ sở để thu giữ tài sản của doanh nghiệp nên đã cố tình áp dụng quy định của những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực để thu giữ trái pháp luật tài sản của doanh nghiệp.

Đại diện AgriBank - Hà Nội nói gì?

Trả lời phóng viên, bà Phạm Thị Hằng Giám đốc  AgriBank - Hà Nội cho biết: “Cty Thịnh Hưng vay nợ từ năm 2009 cho đến nay. Cty Thịnh Hưng vừa vay trực tiếp vừa là nghĩa vụ bảo lãnh. Hiện tại, Cty Thịnh Hưng mới trả được khoản vay trực tiếp, còn khoản bảo lãnh phát sinh từ năm 2009 đến nay công ty vẫn chưa trả”.

Agribank chi nhánh Hà Nội có  thu giữ tài sản trái pháp luật? - Ảnh 5
Trụ sở ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Nội.

Bà Hằng cho hay; theo quy định của pháp luật khi người vay (Công ty ASEM - PV) không trả được thì Cty Thịnh Hưng phải có nghĩa vụ trả thay. Ngân hàng Agribank - Hà Nội đã đôn đốc rất nhiều lần nhưng Cty Thịnh Hưng không thực hiện nghĩa vụ của mình nên ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản để thu nợ, bảo toàn vốn cho nhà nước.

 

Bà Hằng khẳng định “đến thời điểm hiện tại phía ngân hàng đang làm đúng theo trình tự của pháp luật về việc thu hồi tài sản đảm bảo của Cty Thịnh Hưng (số 68 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Khi ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Cty Thịnh Hưng có đầy đủ các bên liên quan bao gồm: UBND phường Mễ Trì, cán bộ tư pháp phường Mễ Trì, văn phòng thừa phát lại, công an phường Mề Trì và công an quận Nam Từ Liêm…”.

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Agribank tiến hàng thu giữ tài sản bảo đảm của Cty Thịnh Hưng là sai quy định khi  áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bà Hằng cho biết: “tại thời điểm kí kết, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đấtđược thiết lập trên cơ sở Luật dân sự 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Theo quy định như vậy thì ngân hàng đã được phép thu giữ tài sản bảo đảm của Cty Thịnh Hưng từ lâu nhưng theo bà Hằng vì một vài lý do cá nhân từ  Cty Thịnh Hưng nên ngân hàng chưa tiến hành thu giữ tài sản đó. Và bà Hằng khẳng định, cho đến bây giờ dù là theo Luật dân sự 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP hay Nghị quyết 42/2017/QH14 thì Ngân hàng vẫn làm đúng theo quy định của pháp luật. Cty Thịnh Hưng không thể chối bỏ nghĩa vụ đối với ngân hàng Agribank - Hà Nội. Ngân hàng sẽ tiến hành song song việc thu giữ tài sản bảo đảm và khởi kiện ra tòa”.

Bà Hằng cho hay “ việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm được áp dụng tất cả trong Luật dân sự 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP hay Nghị quyết 42/2017/QH14. Kkhi thiết lập hợp đồng từ năm 2009, hợp đồng được thiết lập trên cơ sở BLDS 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP, cho dù những văn bản sau này thì nó vẫn phải kế thừa tất cả các nội dung chính, những văn bản sau đó chỉ có thể là cụ thể hóa hơn thế cho nên dù theo giai đoạn nào thì việc thu giữ của Ngân hàng cũng được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật”.

Bà Hằng còn khẳng định “Ngân hàng làm rất đúng quy trình, bài bản, trong hợp đồng đã quy định rất rõ nghĩa vụ của các bên nhưng khách hàng không hợp tác nên đương nhiên ngân hàng sẽ phải tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi tiền cho nhà nước”.

Báo Kinh doanh và Pháp luật tiếp tục thông tin!

Nhóm PV


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục