Vĩnh Phúc: Dòng sông Lô xói mòn do khai thác cát

(Kinhdoanhnet) – Một số phương tiện như tàu, cẩu lợi dụng việc nạo vét lòng sông Lô để khai thác, cát sỏi quá chỉ giới, khai thác trái phép... Việc làm này đã làm ảnh hưởng môi trường, thất thoát tài nguyên, khoáng sản, mất an toàn đê điều, gây sạt lở bờ vở sông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân.

Từ khai thác đến tận thu

Bờ sông khu vực thôn thượng xã Đôn Nhân huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc, vốn là bãi bồi cổ tồn tại hàng trăm năm nay. Người dân bao đời nay coi đó là “bờ xôi ruộng mật” gieo trồng hoa màu, tăng thu kinh tế lành mạnh. Có những giai đoạn cao trào của phong trào tăng gia sản xuất, chính quyền các Xã đã giao cho bà con nông dân đấu thầu canh tác với mức khoán thầu là 25kg/năm/sào.

sông Lô
Tàu cuốc đang hoạt động ngày đêm ở bờ sông khu vực thôn thượng xã Đôn Nhân huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2015 UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Tài nguyên Môi trường ra Quyết định số 2741, cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Lợi Hà Nội khai thác cát ở khu vực xã Đôn Nhân và xã Yên Thạch. Cũng kể từ đó, trên khúc sông này hình thành một “đại công trường” khai thác cát, dòng sông chỉ còn trơ lại rác thải và những cuộn khói đen kịt xả ra không ngớt từ các tàu. Việc hút cát ngay giữa dòng khiến luồng lạch bị thay đổi, hai bên bờ sông sạt lở “nham nhở” ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của bà con nơi đây. Diện tích bị sạt lở dọc bờ sông đã lấn sâu vào đất canh tác từ 20 - 30m, có chỗ lên tới 40 - 50 mét.

Với diện tích được cấp phép khai thác là 20,76 ha, khai thác đến cos +2m, trữ lượng khai thác 200.040 m3, công suất khai thác 40.000m3/năm và thời gian khai thác 06 năm. Ước tính trung bình mỗi tháng Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Lợi Hà Nội chỉ được khai thác 3.333 m3; mỗi ngày chỉ khai thác 105 m3. Với công suất 105m3/ngày chỉ cần 1 tàu cuốc là hút có dư (1 tàu cuốc hút 1 ngày trung bình được 300 – 500m3, chạy hết công suất có thể lên tới gần 1.000m3/ngày).

sông Lô
Chỉ có cát được lấy đi, còn lại bờ sông nham nhở, sói mòn ở lại

Tuy nhiên, theo quan sát, tìm hiểu thực tế của phóng viên, , lúc cao điểm có tới 4 – 5 tàu cuốc của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Lợi Hà Nội  (Công ty Phúc Lợi HN) cùng hoạt động. Trong Quyết định cấp phép của tỉnh lại không quy định số lượng tàu và thời gian, tần suất hoạt động nên phải chăng đây là “kẽ hở” để Công ty Phúc Lợi HN luồn hàng chục tàu cuốc ra sông ?!.

Qua những gì thu thập từ thực tế, chúng tôi có đủ cơ sở để đồng cảm với những lo lắng của người dân địa phương, về việc Công ty Phúc Lợi HN đã lợi dụng danh nghĩa dự án để làm trái với hợp đồng. Hay nói một cách khác, Công ty Phúc Lợi HN đã trưng dụng một nửa sự thật để làm "tấm bình phong" cho các hoạt động ngoài nhiệm vụ được giao trên sông Lô để trục lợi và gây bức xúc trong dư luận.

Phú Thọ đề nghị dừng các dự án nạo vét, tận thu khai thác cát sỏi trên sông Lô

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, trong thời gian qua, nhân dân và các ngành chức năng của tỉnh cho biết, có một số phương tiện là tàu, cẩu lợi dụng việc nạo vét lòng sông Lô (phía tỉnh Vĩnh Phúc) có hiện tượng di chuyển sang địa phận tỉnh Phú Thọ để khai thác, cát sỏi trái phép.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét dừng toàn bộ các dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm các đoạn cạn trên sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh giáp ranh.

Trong văn bản kiến nghị, UBND tỉnh Phú Thọ cũng nêu rõ: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô diễn biến phức tạp (trong đó có việc lợi dụng nạo vét đường thủy để khai thác cát, sỏi) làm ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, mất an toàn đề điều, gây sạt lở đất bãi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện tại, tỉnh Phú Thọ chưa đồng ý thực hiện các dự án nạo vét, tận thu cát, sỏi trên tuyến sông Lô thuộc địa bàn của tỉnh. Tuy nhiên, phía tỉnh Vĩnh Phúc cá dự án được chấp thuận và vẫn đang hoạt động dẫn đến công tác quản lý rất khó khăn. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần có ý kiến đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp để xử lý nhưng không đạt hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2010 đến nay, tỉnh liên tục cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi cho nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 11/08/2010 cấp phép cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Ái (Quyết định số 2240/QĐ-UBND); ngày 08/07/2011 cấp phép cho Công ty CP Khai thác và chế biến lâm - khoáng sản Hoàng Phát (Quyết định số 1597/QĐ-UBND); ngày 12/11/2014 cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội (Quyết định số 3320/QĐ-UBND).

Trong năm 2015, tỉnh này tiếp tục cấp phép tới 03 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội để khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng.

Trong đó, nhiều dự án vướng vào "lùm xùm" ngay từ khi còn chưa bắt đầu. Những điều khoản hợp đồng dự án theo quy định dường như bị quên lãng, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã đưa hàng chục sà lan cùng nhiều tàu thuyền công suất lớn đến khai thác rầm rộ ngoài chỉ giới cũng như sản lượng được phép. 

Báo Kinh doanh & Pháp luật đề nghị Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc và phát hiện độ sâu, chỉ giới khai thác cũng như khối lượng khai thác thực tế tại các điểm dự án trên sông Lô, Vĩnh Phúc có vượt quá quy định cho phép hay không.

Trang Nhi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục