Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nhập nhằng câu chuyện đầu tư BOT

(KDPL) - Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xác định là một trong những tuyến đường huyết mạch, trọng điểm của quốc gia và khu vực, là trục chính nối TP Hồ Chí Minh với toàn bộ 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ còn tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 29/11/2009, Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Công ty cổ phần đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV khởi công, nhưng sau đó gặp khó khăn về vốn đầu tư nên dự án đã bị dừng lại. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính cấp bách của dự án là cần được triển khai sớm và đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu; Theo quyết định số 4145/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2014 về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng phải đến 31/12/2014 Bộ GTVT mới phê duyệt được kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và phát hành hồ sơ mời thầu.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nhập nhằng câu chuyện đầu tư BOT - Ảnh 1
Lễ khởi động Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Được biết, ban đầu Dự án có tới 10 tổ hợp nhà đầu tư đăng ký, sau gần 2 tháng Bộ GTVT mới lựa chọn được đơn vị để phát hành hồ sơ yêu cầu. Do áp dụng hình thức chỉ định thầu, lúc này việc lựa chọn nhà đầu tư có vẻ nhanh hơn, phù hợp với tính cấp bách của dự án, phát huy được tính ưu việt của việc chỉ định thầu. Tại quyết định số 402/QĐ-BGTVT ngày 03/02/2015 Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận đề nghị của Tổng công ty ĐTPT & QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long về kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức vốn đầu tư là 14.678.346 triệu đồng. Phạm vi dự án: Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương), Km49 + 620 theo lý trình dự án; điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30, km 100+750 theo lý trình dự án; Địa điểm xây dựng là tỉnh Tiền Giang. Nhà đầu tư trúng chỉ định thầu là Liên danh Công ty cp đầu tư xây dựng Tuấn Lộc – Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh – Công ty CP đầu tư xây dựng BMT – Công ty TNHH tập đoàn Thắng Lợi – Công ty cp Hoàng An – Công ty cp đầu tư cầu đường CII. Khởi công năm 2015; Dự kiến hoàn thành năm 2018, nghiệm thu và đưa vào khai thác từ ngày 01/01/2019 và bắt đầu thu phí hoàn vốn dự án khi công trình hoàn thành.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nhập nhằng câu chuyện đầu tư BOT - Ảnh 2
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Rất nhanh và chóng vánh, ngày 06/02/2015 Bộ GTVT đã ký tắt Hợp đồng BOT với liên danh nhà đầu tư và tổ chức tái khởi động dự án vào ngày 07/02/2015. Theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 107) và Nghị định số 108/2009/NĐ-CP (Điều 28), Dự án được triển khai sau khi Nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, một dự án có tổng vốn đầu tư lớn là 14.678.346 triệu đồng không dễ dàng để triển khai nếu công tác lựa chọn nhà đầu tư quá vội vã, dẫn đến việc không lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực. Và kết quả tất yếu là sau gần 17 tháng kể từ ngày ký tắt Hợp đồng và khởi động, dự án vẫn gần như ở vạch xuất phát. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của việc chậm trễ trong việc triển khai dự án này, qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Sau một thời gian khá dài, dự án mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi cũng do năng lực điều hành của Doanh nghiệp dự án và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đủ điều kiện ký chính thức hợp đồng dự án nếu nhà đầu tư vẫn đủ năng lực để thực hiện nhưng sau hơn 3 tháng dự án vẫn chưa ký được hợp đồng chính thức. Căn cứ vào văn bản số 653/CIPM-ĐT ngày 16/3/2016, Tổng công ty ĐTPT và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc rà soát thủ tục ký chính thức Hợp đồng dự án cho thấy Công ty Tuấn Lộc và Công ty cầu đường CII không đủ vốn chủ sở hữu để tham gia đầu tư dự án. 

Báo cáo của Tổng công ty Cửu Long cũng cho rằng việc huy động vốn chủ hữu không đúng theo tỷ lệ quy định... Và ngày 30/3/2016, tại cuộc họp xem xét điều kiện ký chính thức hợp đồng  BOT đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà đầu tư: Công ty Tuấn Lộc, Công ty cầu đường CII, Công ty Thắng lợi hoàn chỉnh lại báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán, trong đó lưu ý tỷ lệ tham gia đầu tư dự án phải theo đúng hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nghiêm cấm các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng trái quy định của pháp luật; Tổng công ty Cửu Long phải kiểm tra, theo dõi và báo cáo Bộ GTVT, chịu trách nhiệm nếu để nhà đầu tư chuyển nhượng khi chưa được Bộ chấp thuận; Yêu cầu Công ty BMT phải có Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán, Công ty Tuấn Lộc bổ sung Báo cáo tài chính thời điểm được kiểm toán theo quy định trước ngày 30/04/2016; Yêu cầu các nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ chứng minh năng lực tài chính trước ngày 30/04/2016. Hết thời hạn này, nếu nhà đầu tư vẫn chưa đủ hồ sơ theo quy định, Ban PPP chủ trì, phối hợp Vụ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ GTVT về việc từ chối ký chính thức hợp đồng Dự án và thông báo với Bộ KH&ĐT rút Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trở lại vấn đề chính của dự án và lý do chính để xin chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư cho thấy sau một thời gian dài kể từ khi phê duyệt đầu tư dự án, dự án vẫn chưa đủ điều kiện triển khai theo quy định. Triển khai cầm chừng do chưa có vốn, số vốn chủ sở hữu huy động được cũng đã được Doanh nghiệp dự án tạm ứng sai quy định, tạm ứng cho các hợp đồng xây lắp khi chưa có hợp đồng, chưa có thiết kế được duyệt; Vì thế số tiền này lại quay trở lại các nhà đầu tư do nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu xây lắp. Và người dân đồng bằng sông Cửu Long không khỏi thấp thỏm mong đợi dự án sớm được hoàn thành. Xong, chờ đến bao giờ tuyến đường huyết mạch nối dài Trung Lương – Mỹ Thuận mới hoàn thành, thì đành phải đợi đến khi Bộ GTVT chọn được nhà đầu tư nào có đủ năng lực tài chính để có thể triển khai dự án mà thôi. Và  lý do cấp bách của dự án để áp dụng chỉ định thầu nhà đầu tư liệu đến nay có còn phù hợp?

Văn Thụy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục