Xử lí nợ khó đòi: từ dễ đến khó

Các TCTD hiện nay trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu. Nhưng điều đó không có nghĩa là "cục máu đông" này không còn gây tắc nghẽn dòng vốn tín dụng.

Trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với đại diện NHNN chi nhánh thành phố, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2014 tổng nợ xấu ước khoảng 46.400 tỷ đồng, chiếm 4,85% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Mặc dù NHNN đã liên tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, tuy nhiên tính đến cuối tháng 3/2014, con số nợ xấu được xử lý vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng nợ. Cụ thể, tính đến 31/3 tổng số nợ xấu xử lý được mới chỉ đạt khoảng 3.534 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền đạt 910 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đạt 501 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu nợ đạt 141 tỷ đồng, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đạt 487 tỷ đồng và xử lý bằng các biện pháp khác đạt trên 1.490 tỷ đồng.

Xử lí nợ khó đòi: từ dễ đến khó - Ảnh 1

Vướng mắc từ giải pháp

Ông Tô Duy Lâm cho rằng, tất cả các giải pháp để xử lý nợ xấu hiện nay đều gặp phải những khó khăn lớn. Kết quả kinh doanh mà các ngân hàng vừa công bố mới đây cho thấy tình trạng nợ xấu rất đáng lo ngại, dù VAMC đã đi vào hoạt động được gần 2 tháng. Đáng báo động là các khoản nợ có khả năng mất vốn (nằm trong nhóm 5) lại tăng, chiếm tới khoảng 48% tổng dư nợ, tức là chỉ tính riêng với nhóm các ngân hàng niêm yết đã lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng. Đây không phải là điều bất ngờ khi kinh tế vĩ mô còn trì trệ.

Về vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu không dễ dự báo bao giờ xử lý xong, nhưng ngay cả ở điều kiện tốt nhất cũng phải mất vài năm. Tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC phụ thuộc vào mấy yếu tố: sự ổn định kinh tế vĩ mô, chu kỳ phục hồi thị trường bất động sản ngắn hay dài và cùng đó là sự nỗ lực vượt qua những điểm nghẽn để giúp cho VAMC cùng các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả.

Nói về khó khăn trong việc giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, theo các quy định tại Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN thì các khoản nợ có thể sẽ được cơ cấu lại mà không thay đổi nhóm nợ. Tuy nhiên, không phải khoản nợ xấu nào cũng có thể đưa được vào diện cơ cấu lại. Chưa kể các khoản nợ mặc dù đã được cơ cấu, thì xác suất bị chuyển sang nhóm nợ xấu là khá cao.

Nhóm lợi ích khó chấp nhận “mất giá nhiều của khoản nợ ”. Theo báo cáo của NHNN thì tài sản thế chấp có giá trị bằng 135% giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, ngân hàng không thể bán lại khoản nợ bằng đúng giá trị sổ sách. Hiện nay, phần lớn ngân hàng không báo cáo trung thực về tình hình nợ xấu và cũng chưa trích lập dự phòng đầy đủ các khoản nợ xấu. Do vậy, khi bán nợ ngân hàng sẽ bị thua lỗ rất lớn. Chẳng hạn với nợ xấu trên 200 nghìn tỷ đồng, thì với tỷ lệ chiết khấu 50% thì ngân hàng chỉ bán được với giá 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng sẽ mất đi 100 nghìn tỷ đồng - Con số này lớn gấp đôi với lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2011. Như vậy, nếu bán nợ đồng nghĩa với nhiều ngân hàng sẽ thua lỗ và mất vốn. Đây là một cái giá rất khó chấp nhận đối với các ông chủ ngân hàng, cổ đông ….

Mặc dù NHNN đã liên tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, tuy nhiên tính đến cuối tháng 3/2014, con số nợ xấu được xử lý vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng nợ. Cụ thể, tính đến 31/3 tổng số nợ xấu xử lý được mới chỉ đạt khoảng 3.534 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền đạt 910 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đạt 501 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu nợ đạt 141 tỷ đồng, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đạt 487 tỷ đồng và xử lý bằng các biện pháp khác đạt trên 1.490 tỷ đồng.

Xử lí nợ khó đòi: từ dễ đến khó - Ảnh 2

Bắt đầu từ chuyện dễ

Đến thời điểm hiện nay, 100% NHTMCP có Hội sở chính trên địa bàn đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013-2014 trình Thống đốc NHNN phê duyệt. Thống đốc NHNN đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 11 NHTMCP, bao gồm các NH: Sài Gòn, Nam Việt, Xuất nhập khẩu, An Bình, Sài Gòn Công Thương, Nam Á, Bản Việt, Phương Đông, Á Châu, Đông Á và Việt Á.Theo ý kiến của TS. Trần Du Lịch, rất có thể trong những thời gian trước, việc định giá TSĐB của các TCTD (chủ yếu là bất động sản - BĐS) chưa được chính xác, hệ quả của thị trường BĐS bị thổi giá quá cao trong suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng thực tế chưa hẳn như vậy. Bởi nếu để lại các khoản nợ xấu các NH phải gánh thêm 2 loại chi phí là lãi vay phải trả cho người gửi tiền và chi phí trích lập dự phòng. Chưa kể rằng theo các quy định trước đó, tỷ lệ nợ xấu nếu không được xử lý sẽ tăng lên rất cao. Do vậy, việc ngay lúc này là các NH phải rất chủ động trong việc xử lý các khoản nợ “có vấn đề”.

Theo ông Văn, cái khó của các NH hiện nay là khi bán nợ cho VAMC hoặc DATC, việc nhận lại trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn còn chưa kịp thời. Để chủ động xử lý nợ, các NH đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp khác. Trong đó đặc biệt là thúc đẩy thủ tục thanh lý TSĐB để thu nợ bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại nhiều hiệu quả, vì quá trình tranh tụng hoặc đưa tài sản vào đấu giá rất khó thực hiện khi khách hàng không hợp tác.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, theo ông Phạm Quang Thuần - Tổng giám đốc NH Việt Á thì trước mắt việc có thể làm là các bộ, ngành hữu quan cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về các thủ tục liên quan đến tố tụng, phát mãi tài sản… để khoản nợ nào xử lý được thì xử lý ngay cho các NH. Xét đến cùng “cục máu đông” nợ xấu hiện nay ở các TCTD là hệ quả của một quá trình dài trước đây. Nhưng với quy định "chế tài của Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm 10 biện pháp xử lý nợ xấu đã được phê duyệt và không được che giấu nợ xấu" sẽ có ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ khi chuyển nợ xấu sang VAMC.

Những TCTD có tỉ trọng cho vay quá cao so với nguồn vốn huy động sẽ phải chuyển một phần nợ xấu sang VAMC, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay vào thời điểm này phải được tính toán và kiểm soát chặt chẽ để giảm dần tỉ lệ nợ xấu, đồng thời phải ngăn ngừa được nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Do đó, có thể nói sự xuất hiện của VAMC sẽ buộc các TCTD phải chủ động trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhưng không thể lệ thuộc hoàn toàn vào công ty này. Từng TCTD sẽ phải cân nhắc, lựa chọn giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ nợ xấu.

Diệu Hoa (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục