VVF sắp được về “chung nhà” với ngân hàng SHB

(Kinhdoanhnet) - Khi nhận sáp nhập VVF, SHB đương nhiên sẽ được ngay một công ty tài chính có sẵn mà không phải làm một đề án rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian.

Cuối tháng 09/2014, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận cho Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) được sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Và đến cuối tháng 11/2014, VVF đã tiến hành họp Đại hội cổ đông bất thường thông qua phương án sáp nhập giữa công ty này vào Ngân hàng SHB với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 (tức 1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP).

Đến thời điểm hiện tại, giao dịch sáp nhập giữa VVF vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội đang trong quá trình hoàn tất.

Theo đó SHB cam kết sẽ giới thiệu nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền nhận cổ phần hoán đổi cổ phần VVF sang cổ phần SHB khi sáp nhập. Với mức giá chuyển nhượng dự kiến là 11.500 đồng/CP.

Trong thương vụ này các cổ đông pháp nhân sẽ được trực tiếp ký hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng quyền nhận cổ phần hoán đổi. Đối với các cổ đông thể nhân sẽ phải ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Công ty ký các hợp đồng nêu trên.

Với các cổ đông không có nhu cầu chuyển nhượng quyền nhận cổ phần hoán đổi sẽ nhận cổ phần SHB sau khi giao dịch sáp nhập VVF vào SHB hoàn tất.

VVF sắp được về “chung nhà” với ngân hàng SHB
VVF sắp được về “chung nhà” với ngân hàng SHB.

VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Vinaconex sở hữu 33% và Viettel sở hữu 21%. Cả hai tập đoàn này đều đang có kế hoạch thoái vốn khỏi VVF theo kế hoạch thoái vốn ngoài ngành tới năm 2015. Tuy nhiên, trong thương vụ sáp nhập này thì SHB là đối tượng được phát hành cổ phiếu hoán đổi cổ phiếu VVF và do đó, Vinaconex và Viettel sẽ là cổ đông ngân hàng này.

Được biết trước đó vào năm 2012, SHB đã được nhận sáp nhập Habubank. Tuy nhiên khác với Habubank, việc mua VVF được đánh giá là có lợi hơn rất nhiều. Bởi khi “ẵm” Habubank, SHB phải gánh khoản nợ rất lớn.

Trong khi đó, “đến giờ phút này VVF cơ bản đã xử lý hết nợ xấu, vốn chủ sở hữu còn 1.080 tỷ đồng, tình hình hoạt động vô cùng lành mạnh, không phải là tổ chức tín dụng phi Ngân hàng yếu kém để bắt buộc phải sáp nhập”, Tổng giám đốc VVF, ông Hoàng Trọng Đức cho biết.

Khi nhận sáp nhập VVF, SHB đương nhiên sẽ được thừa hưởng một lượng khách hàng và dịch vụ nhất định, nhất là với Viettel và Vinaconex. Không những thế, SHB còn đương nhiên được ngay một công ty tài chính có sẵn mà không phải làm một đề án rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian. Do vậy các chuyên gia kinh tế nhận định SHB sẽ hoàn toàn có lợi trong thương vụ chuyển nhượng này.

Anh Công (TH theo ĐTCK; TBNH; Gafin)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục