Trước ngày chào sàn, nghi ngờ cổ phiếu VPBank bị 'làm giá'?

(Kinhdoanhnet) - Trong quý 3 năm nay, cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thế nhưng, trước giờ G, diễn biến "lạ" đã diễn ra trên OTC. Giá bên bán khá thấp, trong khi giá bên mua cổ phiếu tăng nóng

27/7/2017 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông phục vụ đăng ký, lưu ký tập trung cổ phiếu VPBank (ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) tại VSD và niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Đây là thông tin được nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi vì VPBank tăng trưởng khá "nóng" trong thời gian qua.


Trước ngày chào sàn, nghi ngờ cổ phiếu VPBank bị 'làm giá'? - Ảnh 1
Nhiều "diễn biến lạ" trước giờ VPBank chào sàn Hose.

Trong nhiều quý, thậm chí nhiều năm liên tiếp, cổ phiếu VPBank liên tục công bố báo cáo tài chính chỉ số lợi nhuận sau thuế tăng ấn tượng. Không chỉ có vậy, VPBank vượt qua nhiều "ông lớn", lọt vào danh sách các ngân hàng trả lương cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, VPBank được giới đầu tư chú ý. Dù vậy, thông tin này cũng chưa đủ sức nâng đỡ giá cổ phiếu VPBank.

Hồi đầu năm nay, giá cổ phiếu VPBank trên thị trường OTC thường xuyên giao dịch ở mức khoảng 11.500 đồng/CP. Giao dịch khá ảm đạm. Tuy nhiên, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 diễn ra tháng 4 vừa qua, tình hình đã thay đổi nhanh chóng.

Trong đại hội, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank - cho biết ngân hàng sẽ thực hiện niêm yết trên sàn HOSE ngay trong quý III năm nay. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, cổ phiếu VPBank trở nên "nóng" trên OTC. Lượng chào mua tăng đột biến, giá cổ phiếu VPBank vì thế cũng tăng rất mạnh. Có thời điểm, giá cổ phiếu VPBank vọt lên mức 44.000 đồng/CP. Đây được xem là "đỉnh" của cổ phiếu này.

Ở nức giá này, vốn hóa thị trường của VPBank đạt khoảng 58.520 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn hóa thị trường ngân hàng Quân đội (MBBank). Nếu nắm giữ cổ phiếu VPBank từ đầu năm nay và bán đúng đỉnh, nhà đầu tư đã có cơ hội nhận khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới gần 300%. Trong khi đó, những cổ phiếu ngân hàng khác niêm yết trên thị trường chứng khoán có tốc độ tăng chậm hơn rất nhiều. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của VCB là 5,4%, BID là 40%, STB là 34%,...

Tuy nhiên, tốc độ tăng này không duy trì được lâu. Tới cuối tháng 6, cổ phiếu VPBank hạ nhiệt và thường xuyên giao dịch dưới mốc 36.000 đồng/CP. Điều đó có nghĩa nếu mua đúng "đỉnh", nhà đầu tư đã lỗ khoảng 8.000 đồng/CP, tương ứng 18%.

Diễn biến lạ trước ngày chào sàn

Sau khi đạt đỉnh, giá cổ phiếu VPBank quay đầu sụt giảm và rơi xuống mốc 36.000 đồng/CP. Trong thời gian gần đây, mức giá này được duy trì, không có nhiều biến động. Thế nhưng, càng sát ngày cổ phiếu VPBank chào sàn, giá VPBank trên thị trường OTC lại càng có nhiều biến động.

Trên các diễn đàn về thị trường OTC, các lệnh chào bán cổ phiếu VPBank xuất hiện khá nhiều, với mức giá từ 35.500 - 37.100 đồng/CP. Nhưng điều kỳ lạ ở chỗ, ở bên mua, các lệnh chào mua "chất" ở mức cao ngất ngưởng. Cụ thể, các lệnh chào mua dao động ở mức giá từ 47.500 - 49.000 đồng/CP. Tạo nghịch lý chênh cao tới hơn 3.000 đồng/CP ở thế không hợp lý.

Anh Ngọc Tú, một người quan sát thị trường chứng khoán, nhận xét: "Đây là tình huống khá kỳ lạ vì người mua lại muốn mua đắt, người bán lại muốn bán rẻ. Vì thế, tôi phải đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng làm giá ở đây".
Phóng viên đã liên hệ với một nhà đầu tư chào mua ở mức giá 49.000 đồng/CP. Tuy nhiên, người này cho biết hiện tại, bên chị đã quyết định dừng mua nên sẽ không mua vào bất cứ cổ phiếu VPBank nào nữa. Ngoài ra, một bên chào mua VPBank ở mức giá 49.000 đồng/CP nhưng khi phóng viên gọi vào số máy này thì nhà đầu tư lại thông báo mua một cổ phiếu khác, chứ không phải VPBank. Phóng viên cũng đã liên hệ với bên chào bán VPBank với giá dưới 36.000 đồng/CP. Nhà đầu tư này khẳng định vẫn còn nhiều và khách hàng phải mua trên 10.000 cổ phiếu mới được mức giá như đã công bố, còn mua lô nhỏ, giá sẽ tăng thêm 2.000 đồng/CP.

Trứơc đó, người nhà dàn lãnh đạo cấp cao VPBank liên tiếp đăng ký mua vào khối lượng lớn cổ phiếu. Theo thông báo từ phí VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đã đăng ký mua vào 10,5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại VPBank lên 4,9973%. Cùng ngày, vợ của ông Dũng cũng đã đăng ký mua vào 63 triệu cổ phiếu VPBank, chiếm tỷ lệ 4,62% vốn điều lệ ngân hàng. Sau khi hoàn tất giao dịch, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của vợ ông Dũng sẽ tăng lên 4,829%. Trong khi đó, mẹ của ông Dũng cũng đăng ký mua vào 66,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,737% vốn điều lệ. Tính chung, đại gia đình chủ tịch VPBank đã sở hữu 14.5639%% vốn điều lệ của ngân hàng sau khi giao dịch thành công.

Không kém cạnh, vợ Phó chủ tịch Bùi Hải Quân cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,36% lên 4,72%. Trước đó, mẹ và vợ của Phó chủ tịch Lô Bằng Giang cũng đã đăng ký mua vào 111,8 triệu cổ phiếu, tương đương 8,4% vốn điều lệ của VPBank.

Vy Vy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục