Trích lập dự phòng quá lớn, lãi ròng Quý 3 VietABank sụt giảm 80%

(Kinhdoanhnet) – Mặc dù lợi thuận sau thuế Quý 3 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 4,6 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ, thế nhưng luỹ kế 9 tháng đầu năm lãi ròng của VietABank vẫn tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2016, trong đó ghi nhận tính tới ngày 30/9/2016 tổng tài sản của ngân hàng đạt 52.897 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với giai đoạn đầu năm. Cùng với đó là khoản huy động vốn cũng tăng trưởng 24% lên mức 30.200 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 26.225 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm 2016.

Mặc dù các chỉ số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng thế nhưng về kết quả kinh doanh trong riêng Quý 3/2016 của VietABank lại có thấy điều ngược lại, nguyên nhân là do khoản trích lập dự phòng quá lớn đã bào mòn lợi nhuận Quý 3 của ngân hàng.

Cụ thể, tính riêng Quý 3 thu nhập lãi thuần của VietABank đạt gần 213 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước do thu nhập lãi cho vay và thu khác từ hoạt động tín dụng tăng mạnh. Thế nhưng các hoạt động kinh doanh còn lại như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận kết quả lãi âm; lãi từ những hoạt động kinh doanh khác cũng sụt giảm đáng kể.

Đặc biệt cùng với chí phí hoạt động tăng 27% lên mức 132 tỷ đồng, thì khoản trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng lên tới hơn 71 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới lãi trước và sau thuế trong Quý 3 của VietABank sụt giảm mạnh chỉ đạt lần lượt 7 tỷ đồng và gần 4,6 tỷ đồng; con số chỉ bằng 1/6 so với lãi ròng Quý 3/2015.

Dù kết quả kinh doanh Quý 3 sụt giảm mạnh, nhưng nhờ những kết quả ấn tượng trong Quý 1 và 2 mà luỹ kế 9 tháng đầu năm 2016 VietABank vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. 9 tháng đầu năm, VietBank ghi nhận 587 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 46%; lãi trước thuế tăng 43% đạt 101 tỷ đồng nhưng mới chỉ đạt 50% kế hoạch cả năm; lãi ròng đạt 98 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2015. Sau 9 tháng VietABank cũng đã phải chi ra tới 203 tỷ đồng tiền chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.

 

Trích lập dự phòng quá lớn, lãi ròng Quý 3 VietABank sụt giảm 80% - Ảnh 1

Chi phí hoạt động tăng mạnh cùng với khoản trích lập dự phòng quá lơn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới lợi nhuận VietABank sụt giảm trong Quý 3.

Tính đến hết Quý 3/2016, VietABank hiện có 313 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có 294 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn chiếm 94% tổng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu là 1,18% tổng dư nợ, giảm so với 459 tỷ đồng nợ xấu, tương đương tỷ lệ 2,26% tổng dư nợ hồi đầu năm.

VietABank hiện cũng là một trong số những ngân hàng có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao nhất hệ thống chiếm khoảng 77,5% tổng dư nợ. Điều này giải thích cho khoản thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng khá đều khi các khoản cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao hơn các khoản cho vay ngắn hạn, nhưng bên cạnh đó thì tỷ lệ rủi ro về thanh khoản cũng cao hơn.

Mới đây VietABank cũng đã chấp nhận đứng ra bảo lãnh cho Vàng Phước Sơn để công ty này được phép hoạt động trở lại với cam kết, khoản nợ thuế hơn 300 tỷ đồng của Vàng Phước Sơn sẽ được doanh nghiệp vàng này trả trong vòng 12 tháng. Nếu Vàng Phước Sơn không thể chi trả được thì VietABank sẽ đứng ra gánh nợ thay.

Động thái này của VietABank được xem như để vãn khoản đầu tư trị giá 18 triệu USD của mình vào doanh nghiệp Vàng Phước Sơn hồi năm 2013. Vì nếu không đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế 300 tỷ đồng cho Vàng Phước Sơn để doanh nghiệp này quay trở lại hoạt động thì coi như khoản đầu tư của VietABank vào doanh nghiệp này sẽ không có khả năng thu hồi.

Đây thực sự là một “canh bạc” với VietABank khi mà hoạt động ngân hàng vẫn chưa thực sự ổn định lại phải đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế trị giá 300 tỷ đồng của Vàng Phước Sơn.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục