Soi tài sản các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB

(Kinhdoanhnet) – Những năm trở lại đây các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB liên tục tăng nhanh. Các khoản phải thu và lãi, phí phải thu được coi là nơi mà các ngân hàng thường “giấu” nợ xấu và hạch toán lãi ảo.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu từ lâu đã là nơi để các ngân hàng che giấu nợ xấu và hạch toán lãi ảo.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) những năm gần đây ghi nhận khoản tài sản có khác mà cụ thể là các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu liên tục tăng cao và cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác cùng quy mô.

Cụ thể, tính cho tới ngày 30/9/2016, tổng các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB lên tới con số 17.692 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với những ngân hàng cùng quy mô trong hệ thống như Techcombank chỉ là 10.955 tỷ đồng, ACB là 8.331 tỷ, MBBank là 9.000 tỷ và VPBank cũng chỉ là 10.825 tỷ đồng. Thậm trí, giá trị các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB còn cao hơn cả Vietcombank (tại Vietcombank là 12.674 tỷ đồng tại ngày 30/9/2016).

Có thể thấy trong nhiều năm liền các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB liên tục tăng và tăng nhanh trong khi ở các ngân hàng khác chỉ số này luôn có chiều hướng đi xuống hoặc đi ngang.

 

Soi tài sản các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB - Ảnh 1

Các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB tăng nhanh qua từng năm và cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng khác cùng quy mô. Ảnh: QT.

Danh mục tài sản có khác cũng chính là nơi mà SHB đã từng xử lý và phân loại các khoản vay kém hiệu quả giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Quay lại thời điểm năm 2013, khi đó SHB đang có khoản dư nợ trị giá 1.229 tỷ đồng cho vay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), sau được đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC) đang chờ xử lý. Sang năm 2014, 1.229 tỷ đồng dư nợ tại SBIC thời điểm đó đã được SHB xử lý và phân loại sang danh mục tài sản có khác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, điều này đã giúp SHB tránh việc phải phân loại nhóm nợ 1.229 tỷ đồng dư nợ tại SBIC và đồng thời SHB cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với khoản dư nợ cho vay này.

Điều này khiến cho khoản tài sản có khác của SHB trong năm 2014 tăng lên con số 14.383 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013.

Trong những năm tiếp theo, SHB ghi nhận các khoản phải thu và lãi phí phải thu liên tục tăng nhanh, năm 2015 tăng 17% lên con số 16.877 tỷ đồng, và 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng thêm 5% lên 17.692 tỷ đồng, trong đó vẫn có hơn 1.000 tỷ đồng dư nợ tại SIBC đang chờ xử lý.

Với giá trị các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB lên tới 17.692 tỷ đồng, có thể nhiều trong số đó là các khoản dư nợ được xử lý và phân loại như khoản dư nợ tại SIBC năm 2014.

Trong khi giá trị các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB vẫn có chiều hướng gia tăng thì đồng thời nợ xấu của ngân hàng cũng có chiều hướng gia tăng trở lại kể từ năm 2013.

Cụ thể, tính cho tới thời điểm ngày 30/9/2016, tổng giá trị nợ xấu của SHB lên tới 3.310 tỷ đồng, tăng 46% so với giai đoạn đầu năm, chỉ kém nợ xấu tại Sacombank, ngoài ra xếp trên tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân công bố Báo cáo tài chính quý 3/2016. Tỷ lệ nợ xấu của SHB cũng vào khoảng 2,22% tổng dư nợ tăng mạnh so với mức 1,72% hồi đầu năm. Nếu như trong kỳ 9 tháng không có mức tăng 18% của dư nợ tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu của SHB đã cao hơn rất nhiều.

 

Soi tài sản các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của SHB - Ảnh 2

Tỷ lệ nợ xấu của SHB đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Ảnh: QT.

Dù chưa thể kiểm soát được tình hình nợ xấu của ngân hàng nhưng SHB vẫn đang ráo riết chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng đầy béo bở, nơi mà những HDBank hay VPBank đã gặt hái được rất nhiều thành công. Bằng việc sáp nhập với Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) để thành lập ra một công ty tài chính chuyên biệt như cách mà VPBank đang vận hành FE Credit, SHB đã khẳn định tham vọng của mình trong mảng kinh doanh mới này.

Dù SHB rất kỳ vọng vào việc sáp nhập VVF để thành lập công ty tài chính chuyên biệt nhưng song song với việc sáp nhập VVF thì SHB cũng phải gánh toàn bộ số dư nợ hiện tại của VVF trong đó có cả những khoản nợ xấu mà VVF đang sở hữu. Cùng với đó thì tình hình hiện tại của VVF cũng không khả quan khi mà kết quả kinh doanh cùng với tài sản liên tục đi xuống từ năm 2011.

Theo Báo cáo tài chính mới nhất của VVF, thì tính tới hết quý 1/2016 tổng tài sản của VVF chỉ còn 1.083 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng là 122 tỷ đồng, còn lại đa số là tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng khác và các khoản phải thu và lãi, phí phải thu. Tỷ lệ nợ xấu của VVF tính tới ngày 31/3/2016 lên tới 34% tổng dư nợ.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục