Vietcombank và FWD chính thức ký kết hợp tác độc quyền bancassurance
Nguồn tin từ Tin nhanh chứng khoán, sáng 12/11, Vietcombank (HoSE: VCB) tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Tập đoàn Bảo hiểm FWD.
Vietcombank và FWD ký hợp tác bancassurance độc quyền 15 năm.
Theo thỏa thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng đồng ý mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (“VCLI”), công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. Giao dịch này đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng tham gia thị trường bảo hiểm từ năm 2008 với việc thành lập Vietcombank Cardif. Trên cơ sở cập nhật xu thế mới, Vietcombank triển khai tìm kiếm đối tác để hợp tác bancassurance. Việc điều chỉnh định hướng đầu tư đã được NHNN chấp thuận. Ngân hàng đã tiếp xúc với một số đối tác tiềm năng về bảo hiểm trên thế giới. Cuối cùng, ngân hàng đã lựa chọn FWD, đơn vị phù hợp để phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống của ngân hàng.
Giao dịch hợp tác này là giao dịch có giá trị lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này song mức cụ thể không được tiết lộ. Với thỏa thuận trên, 2 bên sẽ triển khai các phương án, điều khoản trong hợp đồng phân phối.
Đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản Vietcombank ở mức 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 2 lần lên 32.427 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 13% lên 902.184 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ở mức 693.973 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu 1,07%, tăng nhẹ so với mức 0,98% đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Sacombank miệt mài chào bán lô cổ phiếu "ế" NJC
Sacombank rao bán cổ phiếu của NJC.
Theo nguồn từ Người đưa tin, sau 4 lần liên tiếp rao bán gần 18 triệu cp của CTCP Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) nhưng bất thành, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) lại một lần nữa thông báo chào bán trọn lô 17.96 triệu cp NJC với giá khởi điểm chào bán là 132.2 tỷ đồng, thấp hơn 69 tỷ đồng so với mức giá rao bán lần đầu.
NJC từng là công ty con của ngân hàng Phương Nam và là một trong những doanh nghiệp do gia đình ông Trầm Bê sở hữu. Ông Trầm Bê từng là Phó Chủ tịch HĐQT tại công ty này. Song đến ngày 1/8/2017, ông Trầm bê đã bị bắt vì hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong 4 năm đầu thành lập, NJC liên tục tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, từ năm 2011 kết quả liên tục đi xuống và lỗ gần 4 tỷ đồng vào 2014. Đến cuối 2014, vốn điều lệ của NJC là 450 tỷ đồng với tổng tài sản đạt 1.303 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 19 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh được NJC công bố gần nhất là năm 2016 với kế hoạch hòa vốn ban đầu của NJC vẫn không được thực hiện khi lỗ ròng hơn 3.5 tỷ đồng, trong khi năm trước khoản lỗ này hơn 41 tỷ đồng. Đây cũng là con số lỗ thấp nhất trong các năm kể từ năm 2013 đến nay.
Khi nhận sáp nhập Southern Bank, Sacombank đã nhận lượng lớn cổ phẩn tại NJC. Theo BCTC của Sacombank, cuối tháng 6/2019, ngoài số lượng cổ phiếu lớn tại NJC, ngân hàng còn khoản phải thu của NJC hơn 503 tỷ đồng và phải thu đầu tư vào NJC 64,8 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB rao bán nợ xấu của nữ giám đốc chuyên vẽ dự 'ma' để lừa đảo
Theo Zing, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo về việc thực hiện quyền bán nợ khoản nợ xấu gần 9,7 tỷ đồng của bà Phạm Thị Tuyết Nhung và gần 3,5 tỷ đồng nợ xấu của CTCP Tư vấn đầu tư Angel Lina tại chi nhánh SHB Long An.
Khoản nợ xấu của nữ giám đốc Công ty Angle Lina vừa được SHB rao bán.
Cụ thể, 9,7 tỷ đồng nợ xấu của bà Phạm Thị Tuyết Nhung bao gồm 8,73 tỷ đồng dư nợ gốc còn lại và 92,44 triệu đồng dư nợ lãi còn lại tính đến ngày 05/11/2019. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, 3,5 tỷ đồng nợ xấu của CTCP Tư vấn đầu tư Angel Lina gồm 3 tỷ đồng dư nợ gốc còn lại và gần 47 triệu đồng dư nợ lãi còn lại tính đến ngày 07/11/2019. Tài sản đảm bảo cũng là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Hai khoản nợ của bà Nhung và công ty Angel Lina được rao bán với giá mua bán nợ bằng tổng dư nợ gốc lãi, thanh toán bằng tiền mặt, phương thức mua bán nợ thỏa thuận.
Bà Nhung là giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đất vàng Hoàng gia, vừa bị bắt vào đầu tháng 11 về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty của bà Nhung đã vẽ 9 dự án ma để lừa người dân ký các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất của 9 dự án không có thật tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Qua điều tra, các cơ quan chức năng xác định, các khu đất mà Công ty Angel Lina bán cho khách hàng đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nằm trong quy hoạch. Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt những người liên quan.
Nói thêm về SHB, lũy kế 9 tháng mặc dù trích lập dự phòng gấp 2.6 lần cùng kỳ lên mức 1,087 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng vẫn tăng 54% so với cùng kỳ.
KEB Hana Bank chính thức là cổ đông chiến lược nước ngoài của BIDV
Thời báo Kinh tế Sài Gòn online đưa tin, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.
BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.
Để đi đến cuộc ký kết, hai nhà băng đã mất hơn 2 năm. Lần đầu hai bên gặp nhau tại Seoul, Hàn Quốc vào đầu năm 2017 trước khi ký kết hợp tác sơ bộ không ràng buộc vào 31/8/2017. Nhưng phải 1,5 năm sau, phương án BIDV tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank mới chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho KEB Hana Bank mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của BIDV, đánh dấu việc nhà băng Hàn Quốc rót 1.000 tỷ won (hơn 20.000 tỷ đồng) vào BIDV.
Theo thỏa thuận, KEB Hana Bank nắm giữ số cổ phần này ít nhất trong 5 năm. Ngược lại, BIDV được hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank.
Tại thời điểm 30-6-2019, KEB Hana Bank có tổng tài sản 308,2 tỉ đô la Mỹ. Đối với BIDV, sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hà Phương (tổng hợp)