Ngân hàng TPBank đã tuột khỏi tay FPT như thế nào?

(Kinhdoanhnet) – CTCP FPT từng được coi là “cha đẻ” của TPBank khi là một trong 3 tổ chức đồng sáng lập cùng với MobiFone và Vinare. Thế nhưng cho đến nay, sự ảnh hưởng của FPT ở TPBank đã không còn nữa.

Tháng 6/2008, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chính thức đi vào hoạt động. Dù là một ngân hàng khá non trẻ nhưng nhiều người vẫn tin tưởng rằng TPBank sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam khi được thừa hưởng sức mạnh về công nghệ thông tin, viễn thông và tài chính từ 3 tổ chức sáng lập là FPT, VMS MobiFone và Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare).

Tập đoàn FPT được xem là nhà sáng lập chính với 15% vốn sở hữu tương đương 150 triệu cổ phiếu thời điểm ban đầu. Thời điểm đó, chỉ cần nhìn logo của TPBank cũng có thể biết tầm ảnh hưởng của FPT tới ngân hàng này lớn như thế nào. Trong số 7 thành viên HĐQT thì có 2 thành viên đến từ FPT là ông Lê Quang Tiến giữ chức Chủ tịch HĐQT TPBank và ông Trương Gia Bình là thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, lợi thế về công nghệ thông tin và viễn thông dường đã không phát huy hiệu quả như người ta kỳ vọng đến sự phát triển và khẳng định tên tuổi của TPBank . Chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động, TPBank đã rơi vào tình trạng yếu kém, thu nhập lãi thuần giảm dần theo hàng năm, thậm trí tới năm 2011 thu nhập lãi thuần của TPBank còn âm qua các quý. Cụ thể, thời điểm quý 3/2010, thu nhập lãi thuần của TPBank vẫn ở mức dương 105,4 tỷ đồng, nhưng chỉ bước sang quý 1/2011, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã tụt dốc xuống âm 24,4 tỷ đồng; tồi tệ hơn tới quý 2/2011, thu nhập lãi thuần của ngân hàng âm tới 75,5 tỷ đồng; quý 3/2011, cũng âm hơn 50,6 tỷ đồng.

Ngay trong năm 2011, TPBank bị NHNN xét vào diện ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu với mức lỗ tương đương 1/2 vốn điều lệ, nợ xấu lên trên 6%.

Nhận thấy cơ hội đầu tư đầy tiềm năng tại TPBank, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT DOJI, cùng với những cá nhân khác đến từ DOJI đã nhanh chóng nhảy vào tham gia hoạt động tái cơ cấu ở TPBank. Nhóm cổ đông đến từ DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú đã mua lại 20% cổ phần của TPBank, và nghiễm nhiên trở thành nhóm cổ đông chiến lược của ngân hàng. Các thành viên sáng lập vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ phần nắm giữ với FPT là 16,9%; Vinare là 10%; MobiFone là 4,76% và SBI VEN Holdings nắm giữ 4,9%.

Với sự xuất hiện của nhóm cổ đông đến DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú nắm giữ tới 20% vốn sở hữu ngân hàng, cùng với sự sa sút về mặt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của TPBank thời điểm đó, dường như FPT đã không còn mấy mặn mà với TPBank nữa. Theo báo cáo tài chính của FPT năm 2011, FPT vẫn nắm giữ 16,9% vốn sở hữu tại TPBank nhưng khoản đầu tư tại TPBank đã bị FPT chuyển thành khoản đầu tư tài chính, chứ không còn được hợp nhất trong báo cáo tài chính như những năm trước nữa. Hành động này cho thấy FPT đã chính thức “dứt tình” với ngân hàng ngắn liền với tên tuổi của mình từ năm 2008.

Đến kỳ đại hội thường niên năm 2012, cũng là thời điểm chấm dứt quyền lực của FPT tại TPBank khi ông Đỗ Minh Phú trở thành Chủ tịch HĐQT của TPBank và em trai là ông Đỗ Anh Tú là Phó chủ tịch HĐQT. Theo báo cáo tài chính năm 2012 của TPBank sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ lên 5.550 tỷ đồng, thì số cổ phần FPT nắm giữ chỉ còn khoảng 9,1% tương đương khoảng 506 tỷ đồng vào thời điểm đó. Tuy FPT đã không còn là cổ đông chiến lược của TPBank nữa nhưng phải đến cuối năm 2013, người ta mới không còn nhìn thấy FPT trong hệ thống nhận diện thương hiệu của TPBank.

Tính cho tới quý 1/2016, FPT chỉ còn nắm giữ 9,1% vốn chủ sở hữu tại TPBank, và hầu như không có bất kỳ tác động gì tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Dù đã không còn quá thiết tha với lĩnh vực ngân hàng nữa nhưng FPT vẫn không có ý định sẽ thoái vốn khỏi TPBank.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục