Giật mình lãi suất tín dụng tiêu dùng 50%, có nên áp trần lãi suất?

Trong một buổi giao lưu trực tuyến mới đây, vấn đề lãi suất tín dụng tiêu dùng đã được đặt ra. Một trong những con số đáng giật mình được đưa ra là lãi suất tín dụng tiêu dùng trên thực tế có thể lên tới 45%-50%, tương đương với lãi suất thị trường tín dụng "đen".

Thực tế là hiện nay lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng rất cao, có nhiều trường hợp lên tới 3-4 lần lãi suất vay ngân hàng, thậm chí gần bằng lãi suất "tín dụng đen". Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc này có vi phạm quy định nào về lãi suất của NHNN?

Giật mình lãi suất tín dụng tiêu dùng 50%, có nên áp trần lãi suất? - Ảnh 1
Giật mình lãi suất tín dụng tiêu dùng 50%, có nên áp trần lãi suất? 

Trả lời câu hỏi này luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng: Nếu hiểu chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì lãi suất cho vay không quá 20%/năm.

Tuy nhiên, những năm qua cũng như tại thời điểm hiện nay, thì quy định về lãi suất đang được hiểu rằng tổ chức tín dụng, trong đó có công ty tài chính tiêu dùng, được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận mà không bị giới hạn mức trần 20%/năm.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 9 về “Lãi suất cho vay tiêu dùng”, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN thì Công ty tài chính phải dựa vào cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng (lãi suất cao nhất và thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng), các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.

Vì vậy, quan trọng nhất là khách hàng cần tính toán, cân nhắc khả năng trả nợ trước khi đi vay. Lãi suất trong hạn tương đối thấp của cho vay tiêu dùng hiện nay là khoảng 30%, mà bị quá hạn thì lập tức sẽ tăng lên 45% thì sẽ rất khó trả nợ.

Nếu lãi suất trong hạn mà đã là 45 - 50%, thì càng cần phải thận trọng khi vay các khoản lớn, thời hạn trả nợ dài. Đối với các khoản vay nhỏ lẻ, dễ dàng trả nợ thì hoàn toàn có thể chấp nhận lãi suất cao, ông Đức nhấn mạnh.

Với những tồn tại nêu trên, có nhiều ý kiến đặt vấn đề nên áp trần lãi suất cho hoạt động tín dụng tiêu dùng, nhằm bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính ngân hàng thì "không nên áp dụng trần lãi suất".

Cụ thể, ông Lực giải thích: Các nước đã chứng minh rằng khi áp dụng trần lãi suất có tác dụng ngược với nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực. Áp dụng sẽ chặn dòng vốn đối với người có nhu cầu, và là phi thị trường. Chúng ta đang giảm bớt các thủ tục hành chính, không có lý do gì để chúng ta đặt trần lãi suất.

Thứ 3, nếu áp dụng trần thì bao nhiêu là đủ? Cái này nếu phát triển được thị trường tài chính lành mạnh, công khai minh bạch, người tiêu dùng có sự so sánh và tìm đến nơi tốt nhất với họ, ông Lực cho biết.

Riêng với việc luật pháp nào để quản lý tài chính tiêu dùng, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất: Cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chí cần xem xét cả khả năng đưa công ty tài chính tiêu dùng ra khỏi loại hình tố chức tín dụng, để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này.

Đã đến lúc Không chỉ coi tín dụng tiêu dùng là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN cho biết: Thực tế, các quy định của NHNN, thông tư 43 đã quy định rõ về trách nhiệm của các công ty tài chính. Các công ty tài chính phải thực hiện theo thông tư 43 và phải công khai, minh bạch. NHNN thông qua giám sát và phối hợp với các công ty tài chính để làm rõ nguyên nhân của các phản ánh của người dân và đảm bảo lợi ích của phía khách hàng của các công ty tài chính.

Điều 9, Thông tư 42 quy định về "Lãi suất cho vay tiêu dùng" 

1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Thông tư này về khung lãi suất, trong đó nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính. 

Theo Đình Vũ/Nhà đầu tư

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục