Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang khát vốn?

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang khát vốn để phát triển trở thành những công ty năng động và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo theo dõi tài chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực châu Á, 2014.

Báo cáo do Vụ Phát triển Bền vững và Biến đổi khí hậu thuộc ADB soạn thảo.

Theo ông Noritaka Akamatsu, cố vấn cao cấp của ADB, châu Á hiện có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng chỉ một số ít trong số đó có thể phát triển đến một mức độ có thể tạo ra đổi mới hoặc một phần của chuỗi giá trị toàn cầu.

“Điểm chung của các doanh nghiệp này là cần thêm vốn phát triển và thêm cơ hội tiếp cận với các kênh hỗ trợ tài chính khác nhau,” ông Noritaka Akamatsu cho hay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang khát vốn? - Ảnh 1
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần chú trọng vào các mục tiêu toàn cầu để hội nhập và cạnh tranh. Ảnh Amcham Việt Nam

Tại Việt Nam, ADB cho biết, đến hết 2013 có tổng cộng 359.794 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), chiếm 96% tổng số các doanh nghiệp trong cả nước.

“Hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc sở hữu tư nhân (97%), các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 2,7% và số còn lại là thuộc sở hữu nhà nước,” báo cáo của ADB cho hay.

Về ngành nghề kinh doanh, báo cáo đánh giá của ADB cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu hoạt động về bán buôn và bán lẻ, tiếp sau đó là ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo.

Liên quan đến lao động, theo ADB, có khoảng 5,1 triệu lao động được các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tuyển dụng, chiếm 47% lực lượng lao động của Việt Nam.

Để chủ động hội nhập khu vực và tự do hóa thương mại, ADB khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng hơn đến các mục tiêu toàn cầu thay vì quá chú tâm thị trường trong nước.

“Điều này vừa đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ khai phá các thị trường nước ngoài, vừa đặt họ trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng,” báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, ADB cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và khu vực, đó là khả năng tiếp cận vốn hạn chế.

“Tỷ lệ cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm xuống trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm 2014,” theo ADB.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, trở thành những công ty năng động và có sức cạnh tranh quốc tế, theo ADB, các chính phủ cần tạo dựng một khung chính sách toàn diện.

“Các nỗ lực đang được thực hiện để mở cửa các thị trường cổ phiếu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể giúp các doanh nghiệp này có được nguồn tài trợ dài hạn mà họ cần để trưởng thành,” báo cáo ADB cho hay.

Theo Người đưa tin

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục