ĐHĐCĐ MaritimeBank: Tiếp tục nóng vấn đề nợ xấu

Sáng nay, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank, MSB) tổ chức ĐHĐCĐ, đại diện MSB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu xử lý được 7.015 tỷ đồng (nợ rủi ro, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC). Theo phân tích, đây là một con số đáng mơ ước, tuy nhiên không phải dễ thực hiện.

ĐHĐCĐ MaritimeBank: Tiếp tục nóng vấn đề nợ xấu - Ảnh 1
ĐHĐCĐ MaritimeBank tiếp tục nóng vấn đề "nợ xấu" 

Sáng nay, Maritimebank (MSB) đã tổ chức ĐHĐCĐ đúng như thông báo gần đây nhất của ngân hàng này. Tuy nhiên, Maritimebank đã quyết định họp "kín", không có sự tham gia của báo giới.

Trong buổi họp, đại diện MSB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu xử lý được 7.015 tỷ đồng (nợ rủi ro, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC), để đến cuối 2017 duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu này được cho là rất đáng mơ ướ, tuy nhiên, không hề đơn giản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của ngân hàng này, con số trích lập dự phòng đã tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015, ở mức 1.847 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC là 1.098 tỷ đồng. Trích lập dự phòng đã "ăn mòn" lợi nhuận của MSB, đó cũng là lý do tại sao và lợi nhuận thuần tăng mạnh 42%, nhưng lợi nhuận sau trích lập dự phòng chỉ tăng 3,8%.

Tính đến hết ngày 31/12/2016, lượng trái phiếu VAMC của Maritime Bank là 8.874 tỷ đồng, chỉ giảm 11% so với năm 2015. Hiện, nợ xấu nội bảng của Maritime Bank là 2,17%. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và số đã bán cho VAMC, con số nợ xấu của ngân hàng này đã lên tới gần 22% dư nợ cho vay.

Như vậy, để giữ được nợ xấu ở mức 3% nợ "nội bảng" thì không quá khó, nhưng để giảm nợ xấu thực chất xuống mức 3% thì ngân hàng phải giảm được tối đa 19% nợ xấu, cùng với đó là cả 1 năm nợ xấu không tăng thêm một % nào. 

Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi "Tại sao 2016 trích lập nhiều nhiều như vậy?", đại diện MSB cho biết: Với định hướng của NHNN cho hệ thống, đặt mục tiêu an toàn lên trên hết và để nâng cao chuẩn mực cho ngân hàng, MSB xác định thận trọng và an toàn lên hàng đầu. Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp tục tiến hành trích lập dự phòng theo cả định tính và định lượng, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

Theo tờ trình cổ đông, ngân hàng này thông qua việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung. Ban lãnh đạo cho biết, vào tháng 1/2017, Ngân hàng đã nộp hồ sơ đăng ký lên trung tâm lưu ký (VSD) và nhận được công văn phản hồi từ VSD yêu cầu bổ sung một số tài liệu và thông tin của một số cổ đông đang sử dụng thông tin cũ (số CMND…). Theo đó, đầu tháng 4, Ngân hàng đã có công văn phúc đáp tới VSD về một số vấn đề.

Theo Nguyễn Thoan/Báo Nhà đầu tư

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục