Bầu Hiển sẽ chọn bất động sản, Ngân hàng hay bóng đá?

Tham gia vào nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, bóng đá, bảo hiểm, bất động sản, đến nông nghiệp... Ở lĩnh vực nào, dấu ấn của ông Đỗ Quang Hiển cũng rất lớn. Tuy nhiên, ông Hiển sẽ chọn lãnh đạo lĩnh vực nào, khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sắp tới có hiệu lực với quy định về hạn chế sự tham gia quản trị, điều hành của lãnh đạo của ngân hàng vào các doanh nghiệp khác?

Bầu Hiển sẽ chọn bất động sản, Ngân hàng hay bóng đá? - Ảnh 1

Đại gia địa ốc "máu mặt"

Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962 tại Hà Nội, là một Kỹ sư vật lý vô tuyến nhưng ông sớm bén duyên với kinh doanh và đặc biệt thành công với vai trò của một doanh nhân. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một doanh nhân luôn rất “nhiệt” với bóng đá Việt Nam được biết đến với cái tên “Bầu” Hiển, bởi lẽ nhắc đến ông người ta sẽ nghĩ ngay tới chủ của CLB bóng đá T&T Hà Nội.

Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, Bầu Hiển đã đi làm thuê ở nhiều công ty, tổ chức khác nhau. Đến năm 1993, ông Hiển quyết định khởi nghiệp kinh doanh của mình bằng việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, chú trọng ngay tới các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…

Trải qua hơn 20 phát triển, giờ đây Tập đoàn T&T đã trở thành một tập đoàn đa ngành, với bốn lĩnh vực đầu tư chính là: Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể thao.

Trong lĩnh vực bất động sản, T&T Group của Bầu Hiển đã đầu tư hàng loạt dụ án, bao gồm: Trung tâm thương mại, nhà ở số 1 đường Quang Trung (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An); Khu đô thị mới Minh Phương tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và Trung tâm Thương Mại T&T tại thị trấn Bần (Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Tại Hà Nội, sản phẩm BĐS mà T&T Group ra mắt đầu tiên là khu tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng kết hợp nhà ở tại số 440 - phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội)…

Bầu Hiển sẽ chọn bất động sản, Ngân hàng hay bóng đá? - Ảnh 2
Dự án T&T review, số 440 - phố Vĩnh Hưng
Bằng việc thực hiện các thương mua vụ cổ phần DNNN lớn đầu ngành diễn ra rất nhanh chóng, suôn sẻ với giá “bèo bọt”, Bầu Hiển đang sở hữu nhiều khu "đất vàng".

Có thể kể đến như: khu đất rộng 2.200 m2, có mặt phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Vọng Đức, nằm trong kế hoạch xây dựng trụ sở mới của SHB. Ngoài ra, bầu Hiển còn sở hữu có 2 khu đất khác tại số 18 Hàng Chuối (Hai Bà Trưng) và 52 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), với mục đích sử dụng làm trung tâm thương mại và nhà ở…

Ông chủ Ngân hàng SHB


Không thể phủ nhận quy mô cũng như sức mạnh của Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, để được như ngày hôm nay phải kể đến công lao của Bầu Hiển. Ngoài tài năng lãnh đạo và kinh nghiệm thương trường hơn 20 ông bầu còn có tiềm lực tài chính cực “khủng” khi là “đại gia ngân hàng” có tiếng. Đây chính là yếu tố góp phần làm bàn đạp cho việc đầu tư, kinh doanh các dự án BĐS của T&T group.

Được biết, năm 2007, Bầu Hiển bắt đầu tham gia vào ngành tài chính ngân hàng khi Tập đoàn T&T của ông tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân Hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông cũng góp vốn và được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT năm 2008. Từ đó đến nay, tên tuổi của Bầu Hiển luôn gắn liền với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Ngân hàng SHB.

Từ một Ngân hàng có tổng tài sản là 14.318 tỷ đồng, sau 9 năm được ông chèo lái, con tàu SHB đã mở rộng quy mô tài sản gấp 18,5 lần, lên 265.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức vốn điều lệ của Ngân hàng cũng tăng 5,6 lần từ 2.000 tỷ đồng lên mức 11.293 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2017, Bầu Hiển cùng các cá nhân, công ty liên quan nắm hơn 215,3 triệu cổ phần, chiếm 19,2% vốn điều lệ SHB. Trong đó, riêng ông sở hữu gần 30,7 triệu cổ phần, tương đương 2,74%. Như vậy, Bầu Hiển không những là người có quyền lực và tiếng nói lớn nhất tại SHB mà còn là cổ đông cá nhân sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Ngân hàng này.

Và "ông trùm" bóng đá

Cũng trong giai đoạn đầu tư vào tài chính – Ngân hàng, năm 2006, Bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.

Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào. Ngoài ra, ông còn là chủ của đội bóng SHB Đà Nẵng.

Bầu Hiển sẽ chọn bất động sản, Ngân hàng hay bóng đá? - Ảnh 3
Ông bầu đội tuyển bóng đã T&T Hà Nội - Đỗ Quang Hiển
Được biết, hiện nay ông Đỗ Quang Hiển cũng đang đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại một số doanh nghiệp như: CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF), Tổng CTCP Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC)…

Tuy nhiên, ngày 20/11 vừa qua, Quốc Hội đã họp và thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung, sẽ có hiệu lực từ ngày15/1/2018. Trong đó nhiều điều khoản, quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế sở hữu chéo cũng như hạn chế sự tham gia quản trị, điều hành của lãnh đạo của ngân hàng vào các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Như vậy, đối chiếu với những quy định trên thì khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ giữa tháng 1 năm sau, Bầu Hiển sẽ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là Chủ tịch HĐQT tại SHB hoặc nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại chính các doanh nghiệp của mình.

Ánh Phượng/ VnFinance/ Báo Thời Đại

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục