Gian nan bài toán tiêu thụ thép nội

(Kinhdoanhnet) - Sản lượng thép nội trong 8 tháng đầu năm tăng, tuy nhiên, thép ngoại vẫn ồ ạt nhập khẩu. Để thép nội thực sự chiếm lĩnh được thị trường trong nước quả là bài toán khó.

Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8-2014, sản lượng các mặt hàng thép sản xuất trong nước đều ở mức cao, so với cùng kỳ năm 2013. Thép thô đạt 1.950,9 ngàn tấn, giảm 0,01%; thép cán đạt 2.310,9 ngàn tấn, tăng 22,8%; thép thanh, thép góc đạt 2.288 ngàn tấn, tăng 5,1%. Ngược với con số lạc quan về sản xuất, tình hình tiêu thụ mặt hàng này lại đạt mức thấp do kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn.
Tính chung 7 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu lên tới 5.837 nghìn tấn, trị giá 3.926 triệu USD, tăng 5,8% về lượng song lại giảm 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Lượng thép xây dựng nội chỉ tiêu thụ được 380.000 tấn, nhưng lượng sắt thép nhập khẩu lên tới 800.000 tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, mấy năm nay, Việt Nam vẫn nhập những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được như cán tấm nóng, thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất như thép phế nhập tới 70 - 80% theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, có những sản phẩm trong nước dư thừa như thép xây dựng vẫn được nhập vào là rất vô lý.

Đáng chú ý là những sản phẩm này chủ yếu là thép Trung Quốc đã lợi dụng chính sách thuế của VN để cạnh trạnh không lành mạnh. Lợi dụng quy định thép hợp kim được hưởng thuế suất 0% nhiều nhà nhập khẩu đã “phù phép” thép xây dựng sang thép hợp kim. Với chiêu lách luật này, thép Trung Quốc hiện được bán thấp hơn 300-500 nghìn/tấn so với thép trong nước, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ thép của Việt Nam.

Theo VSA, thép xây dựng trong nước sản xuất đang dư thừa, nên nhập vào sẽ ảnh hưởng thị trường, chiếm thị phần trong nước. Thép cuộn ở Việt Nam cơ cấu 20 - 25% mà hiện nay tụt xuống dưới 20% có nghĩa là thép nước ngoài đã chiếm mất thị phần và buộc doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với giá ấy phải giảm sản lượng, hoặc chuyển sản xuất mặt hàng khác.

Giá thép bán lẻ tại một số địa phương vẫn ổn định so với tháng trước và giá bán hiện nay tại khu vực miền Bắc dao động khoảng 16-17,8 triệu đồng/tấn, miền Nam 16,5-18,0 triệu đồng/tấn. Với tình hình sản xuất và giá bán hiện nay, phần lớn DN sản xuất thép bị lỗ.

Hiện Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan được trông đợi sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt nhưng ngược lại, nhiều DN trong nước cũng lo lắng khi các mặt hàng thép từ liên minh này sẽ tràn vào Việt Nam để hưởng thuế suất về dần 0%, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội. Bởi trong quá trình đàm phán, liên minh hải quan cũng đặt ưu tiên hàng đầu khi xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp thép, dù Bộ Công Thương khẳng định việc giảm thuế sẽ có lộ trình chứ không lập tức đưa về 0% khi hiệp định được ký kết.

Gian nan bài toán tiêu thụ thép nội
Gian nan bài toán tiêu thụ thép nội

Trong lúc DN thép nội phải vật lộn với khó khăn chất chồng do thị trường bất động sản đóng băng từ nhiều năm qua, sức tiêu thụ kém thì hàng nhập khẩu vẫn ồ ạt tràn vào cạnh tranh với giá rẻ. Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn áp đảo, nhất là thép xây dựng do giá rẻ. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, các DN trong nước đã bỏ ra 588 triệu USD nhập khẩu thép các loại. DN ngành thép đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương xem xét có biện pháp bảo vệ thép nội địa bởi thép xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc giá rẻ do gian lận thương mại để hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Minh Anh  (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục