Vấn nạn "tour 0 đồng" đe dọa du lịch Việt Nam như thế nào?

Khách đi tour du lịch 0 đồng đều được đưa vào những nơi mua sắm đắt đỏ, nếu muốn đi ngoài đoàn lại phải trả thêm tiền. Đến hẹn lại lên, vấn nạn "tour 0 đồng" bùng phát trở lại khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đã lo ngại cho ngành du lịch Việt.

Sự phát triển nóng từ mô hình kinh doanh tour du lịch 0 đồng tại TP.Đà Nẵng đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch, giảm sút chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng quyền lợi của du khách.

Vấn nạn “tour 0 đồng” tăng đột biến mùa du lịch

Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch khẩn trương rà soát, báo cáo thực trạng hoạt động của các tour du lịch 0 đồng trên địa bàn.

Vấn nạn "tour 0 đồng" đe dọa du lịch Việt Nam như thế nào? - Ảnh 1
Mỗi ngày có hàng nghìn du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: Thanhnien.

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đón hơn 4 triệu lượt khách tới thăm quan, du lịch. Trong đó, khách Hàn Quốc có hơn 800.000 lượt, khách Trung Quốc gần 400.000 lượt tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng nổ về thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đà Nẵng đã đóng góp vào nguồn thu cho thành phố nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng.

Tuy vậy, khách đến đông bằng tour du lịch 0 đồng lại là mối lo cho thành phố. Anh Nguyễn Văn A, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung cho biết, với những kiểu tổ chức tour du lịch 0 đồng, hướng dẫn viên du lịch và người dân bản địa kinh doanh các dịch vụ du lịch không hưởng được nguồn lợi nào.

“Thứ nhất là về lương rồi những chi phí khác tất cả đều đưa về Trung Quốc nắm giữ hết. Hướng dẫn viên Việt Nam mình thì chỉ nhận được công tác phí một ngày đó bao nhiêu thôi, còn tất cả các chi phí khác thì bên Trung Quốc nắm giữ hết”.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitours Đà Nẵng, hiện nay, điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quy định đơn giản. Nhiều công ty nước ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng đã tự ý đưa đón khách, bán tour, gây bất lợi cho các điểm đến.

Các tour du lịch 0 đồng thường có cách hoạt động phổ biến như: các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch 0 đồng, sau đó kết nối và bán lại cho công ty lữ hành của quốc gia được chọn làm điểm đến. Tại Đà Nẵng thì chủ yếu là khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Để bù vào chi phí tổ chức tour giá rẻ, khi tới điểm đến, họ bán thêm tour và đưa khách đi mua sắm tại những cửa hàng đã định sẵn để thu lợi nhuận.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, dù không mất chi phí cho hoạt động tham quan, không phải lo nơi ăn chốn ở nhưng khách du lịch phải tiêu tốn nhiều tiền cho các trung tâm thương mại có giá rất đắt, chỉ chuyên phục vụ khách đi tour.

“Khách Trung Quốc và Hàn Quốc đi tour dưới giá vốn, tức là tour 0 đồng. Bán như vậy, thì khi qua đây để cân bằng lợi nhuận của họ bằng cách họ bán thêm tour tự chọn ví dụ như: họ làm tour 4 ngày 3 đêm nhưng không có tham quan gì cả. Sau đó họ bán thêm một tour riêng ra ví dụ ở Đà Nẵng đi Bà Nà, Hội An hay đi Huế thì họ sẽ bán giá cao hơn để họ bù lại việc họ bán tour dưới giá vốn, hay họ đưa đi shopping”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nói.

Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng tiến hành hơn 90 lượt kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 triệu đồng. Trước thực trạng này, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan, đề ra nhiều giải pháp hạn chế của tour du lịch 0 đồng.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “UBND TP cũng đang giao cho Sở làm báo về tour giá rẻ, thì chúng tôi cũng đang hoàn thiện. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cho nên bây giờ mới họp xong và đang trình với Chính phủ”.

Hồi đầu năm, dư luận xôn xao trước việc khách du lịch Trung Quốc theo tour giá cực rẻ tới Quảng Ninh thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng đột biến. Tình trạng này khiến các điểm du lịch tại Quảng Ninh, đặc biệt là Vịnh Hạ Long cùng các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP.Hạ Long kẹt cứng vì quá tải.
Vấn nạn "tour 0 đồng" đe dọa du lịch Việt Nam như thế nào? - Ảnh 2
Du khách Trung Quốc xếp hàng đi du thuyền. Ảnh: ANTĐ.

“Chúng tôi đều băn khoăn, lo ngại trước tình thực trạng đó, cố gắng có các biện pháp, tăng cường kiểm tra các đầu mối” – ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện ra sao thì hiện lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh chưa thông tin cụ thể.

Cách đây hơn một năm, thực trạng “tour 0 đồng” cũng từng diễn ra ồ ạt tại Quảng Ninh khiến dư luận không khỏi bức xúc. Mặt trái của tour này là các công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách đi du lịch với giá thành tour rẻ, thậm chí 0 đồng, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Móng Cái, khách du lịch được đưa vào nội địa sẽ buộc phải qua các trung tâm thương mại riêng biệt, những điểm bán hàng “chỉ dành cho khách Trung Quốc” và mua hàng với giá chênh lệch đắt “cắt cổ”, có khi du khách mất tiền nhưng lại mua phải hàng kém chất lượng.

Thiệt hại nặng nề cho du lịch Việt Nam

Hệ quả của tour 0 đồng được nói đến nhiều nhất là tiền chảy vào túi các doanh nghiệp lữ hành, còn ngành du lịch Việt thì thất thu. Cụ thể, khác với tour thông thường, dòng tiền từ khách du lịch trong “tour 0 đồng” tập trung về hãng lữ hành bán “sỉ” tour trọn gói. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành nội địa đóng vai trò trung gian sẽ nhận được tiền “hoa hồng” từ những điểm bán hàng này.

Do đó, chen chân vào thị trường Việt Nam, mô hình “tour 0 đồng” mặc dù có thể khiến lượng khách đến Việt Nam tăng lên về số lượng nhưng ngành du lịch Việt Nam thất thu lợi nhuận, lại có nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Thực trạng này tiếp tục tái diễn khi ước tính hiện nay mỗi ngày có cả vạn khách du lịch Trung Quốc tấp nập qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Lượng khách Trung Quốc theo tour giá cực rẻ tới Quảng Ninh tăng đột biến khiến đường phố đông đúc người và xe, Vịnh Hạ Long và các nhà hàng, khách sạn tại TP.Hạ Long kẹt cứng vì quá tải. Thậm chí, ngay cả những khách sạn ở xa trung tâm cũng “cháy” phòng.

Năm 2017, Quảng Ninh từng ra quân dẹp “tour 0 đồng”, vậy mà tình trạng “tour 0 đồng” nói trên nay lại có nguy cơ bùng phát khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi lo ngại.

Trên thực tế, Thái Lan, một quốc gia dẫn đầu về du lịch Đông Nam Á đã thất thu khoảng gần 9 tỷ USD mỗi năm do thiệt hại từ “tour 0 đồng”. Vì vậy, cũng khó mà tính hết được con số cụ thể thiệt hại của du lịch Việt Nam đã thất thu bao nhiêu do “tour 0 đồng” cho đến nay. Song, hậu quả lớn nhất chính là hình ảnh ngành du lịch Việt Nam trong mắt du khách.

Theo Báo Thời Đại

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục