Thốt Nốt hương vị vùng quê Bảy núi An Giang

(KDPL) - Đến An Giang, đặc biệt là Tịnh Biên và Tri Tôn bên cạnh những cánh đồng lúa bạt ngàn thì những hàng cây Thốt Nốt xanh rì, vươn cao đã tạo nên một khung cảnh xanh mát, yên bình của một vùng quê đầy nắng và gió

 

Thốt Nốt hương vị vùng quê Bảy núi An Giang - Ảnh 1

 

Thốt Nốt là loại cây trồng lâu năm, là sản phẩm đặc trưng chỉ có ở vùng Bảy Núi. Người dân bao đời sống trên mảnh đất này vẫn luôn gắn bó với nó. Loài cây này giản dị mộc mạc, thân cao trót vót tựa như thân cây dừa, đứng sừng sững giữa cánh đồng tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp đến nao lòng. Cây có thân thẳng đứng, tuổi thọ lâu đời có khi lên đáng hàng trăm năm tuổi, có vòm lá rộng theo chiều ngang, được bao quanh bởi các sẹo lá. Cụm hoa của cây Thốt Nốt là những bông mo. Với khả năng chịu hạn rất tốt, đặc biệt là khí hậu nắng nóng và mưa nhiều. Cũng giống như dừa, trái Thốt Nốt kết thành chùm, to tròn, vỏ màu tím sậm, bên trong có cơm dày màu trắng, mềm dẻo giống như cơm dừa nước, có mùi thơm ngon, vị ngọt, bùi. 

Du khách khi đến An Giang thường hay tìm mua trái, nước hay đường làm từ loại cây này để về làm quà tặng, biếu cho người thân, bạn bè. Có thể nói, những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống con người mà loại cây này đã và đang mang lại góp phần không nhỏ nâng cao đời sống, quảng bá hình ảnh Thốt Nốt đến gần hơn với người dân cả nước. Người dân ở đây họ gắn bó với loài cây này, họ có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo từ cây Thốt Nốt như: Đường, chè, đũa, quạt, thậm chí còn chế biến được cả bia thốt nốt,… 

Để làm nên những sản phẩm hấp dẫn như thế là cả một sự kỳ công, tỉ mỉ và vô cùng khéo léo của người dân An Giang. Để thu hoạch và lấy được nước Thốt Nốt cũng là cả một sự khó khăn, vất vả. Họ phải thức từ rất sớm, leo lên trên thân tre cột sát với thân cây Thốt Nốt để lên ngọn cây, sau đó chuẩn bị những ống tre đã diệt khuẩn được tỉ mỉ đeo phía sau lưng đặt lên vòi bông mo vừa mới cắt một khúc để lấy nước. Cứ thế, từ ngọn cây sang ngọn cây khác mà người dân thu hoạch được nước thốt nốt đem về và mang ra bán khắp các con đường Thị trấn Tri Tôn hay những Khu du lịch có đông du khách. Rất dễ dàng để có một chai nước từ Thốt Nốt để giải nhiệt, giúp mọi người cảm giác mát mẻ, thoải mái nhất là vào những tháng mùa hè nóng bức.

Ngoài ra, Nước Thốt Nốt còn được người dân địa phương ủ với một thứ cây rừng để lên men, tạo thành một loại bia khá đậm đà. Đây có thể xem là một bước đột phá, sự sáng tạo độc đáo của người dân An Giang. Thốt Nốt loài thực vật đặc trưng của vùng Bảy Núi, người dân sử dụng và chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn và trở thành một đặc sản nổi tiếng khắp nơi, trong số đó có thể kể đến:

Bánh bò Thốt Nốt

Thốt Nốt hương vị vùng quê Bảy núi An Giang - Ảnh 2

 

Văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo ở vùng Bảy Núi An Giang được xem là thu hút du khách nhớ đến nhất. Với món bánh bò Thốt Nốt, là một loại bánh ngon và khéo léo mà người dân nơi đây chế biến nên. Để làm nên một chiếc bánh bò quả thực không đơn giản, đó là cả một sự kỳ công, khéo léo. Trãi qua nhiều công đoạn như: Khâu xay, trộn bột, mài trái thốt nốt, ủ bột lên men cho đến hấp bánh. Những người chế biến quen tay mới có thể tạo ra được những khuôn bánh bò ngon có màu vàng tự nhiên, mùi thơm nức mà vẫn giữ được vị ngọt của đường thốt nốt.

Đường Thốt Nốt

Thốt Nốt hương vị vùng quê Bảy núi An Giang - Ảnh 3

 

Đường Thốt Nốt được xem là sản phẩm đặc trưng của vùng Bảy Núi. Vào vụ khoảng tháng 11 âm lịch, kéo dài đến khoảng nữa năm, vào mùa khô thì người dân ở đây thu hoạch thêm được 2 tháng. Nguyên liệu để nấu đường Thốt Nốt chính là nước lấy từ nhụy hoa, bông mo cho nước khoảng ½ lít nước. 

Người dân tận dụng tối đa cây thốt nốt để tạo nên những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống. Để nấu đường người dân sử dụng nước thốt nốt, trãi qua nhiều công đoạn như: khử mùi chua, kết tinh, nấu… với truyền thống của nấu đường nơi đây, đường được nấu trên bếp lò đun bằng vỏ chấu. Sau đó, khoảng 3 đến 4 giờ nước sánh lại, người nấu đường dùng gậy đánh đều tay cho đến khi đường đặc thành phẩm, có màu vàng đậm. Đường có vị ngọt thanh, thơm ngon được rất nhiều du khách tìm mua mỗi khi đến An Giang trong các dịp lễ hội. Ngoài ra, thân cây được người dân dùng để cất nhà, làm đũa, các sản phẩm mỹ nghệ, lá cây dùng để lộp nhà… Bên cạnh đó, món ngon từ thốt nốt còn có thạch thốt nốt, loại này ướp lạnh hoặc trộn với đá cây đập nhuyễn là đã cho ta thứ giải khát tuyệt vời. 

An Giang càng trở nên hấp dẫn và mê đắm lòng người khi mỗi độ lúa chín vàng, bên những hàng cây Thốt Nốt sừng sững càng làm cho bức tranh quê hương thêm đậm đà, nổi bật. Hình ảnh hàng cây Thốt Nốt trãi dài, là điểm tựa, che bóng mát cho người dân nghỉ sức sau một ngày lao động mệt nhoài giữa cánh đồng, dưới cái nắng chói chang.

Hồng Muội

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục