Ồ ạt đầu tư, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” làm ăn thua lỗ trăm tỷ

Nhắc đến Mường Thanh, ngoài nhà giá rẻ, nhiều người nghĩ ngay đến hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đằng sau việc phát triển chuỗi khách sạn đồ sộ mang thương hiệu Mường Thanh, ít ai biết rằng các công ty đang sở hữu và vận hành chuỗi khách sạn đồ sộ này đang làm ăn thua lỗ hàng trăm tỷ mỗi năm.

Khởi nguồn từ năm 1997 với cơ sở ban đầu là một khách sạn nhỏ tọa lạc ở Thành phố Điện Biên, sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay, Mường Thanh đã phát triển thành hệ thống khách sạn lớn nhất Việt Nam với hơn 50 khách sạn và dự án khách sạn, trải dài ở hầu hết những điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước.

Theo đó, Hệ thống khách sạn của Mường Thanh được chia thành 4 phân khúc gồm: Luxury, Grand, Holiday và Standard. Trong đó, phần lớn khách sạn đều được công bố tiêu chuẩn 4 sao hoặc 5 sao.

Ồ ạt đầu tư, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” làm ăn thua lỗ trăm tỷ - Ảnh 1
Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu

Mặc dù, tốc độ phát triển của Mường Thanh tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của ngành du lịch và hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Song, điều này chưa mang lại lợi nhuận cho Mường Thanh do đặc thù phải đầu tư ban đầu lớn trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Hiện tại, hầu hết các khách sạn Mường Thanh đều thuộc quyền sở hữu của 2 công ty lớn của ông Lê Thanh Thản là CTCP Tập đoàn Mường Thanh và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng tư nhân số 1 Tỉnh Điện Biên (Xây dựng số 1). Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều gây bất ngờ khi có kết quả kinh doanh ghi nhận những khoản thua lỗ cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

Theo đó, CTCP Tập đoàn Mường Thanh (Tập đoàn Mường Thanh) do bà Lê Thị Hoàng Yến (sinh năm 1987)- Con gái ông Lê Thanh Thản làm Tổng Giám đốc. Tập đoàn này hiện đang trực tiếp quản lý các chuỗi khách sạn Mường Thanh mới và cao cấp như: Mường Thanh Grand Nha Trang, Mường Thanh Hà Nội Centre, Mường Thanh Quy Nhơn, Mường Thanh Quảng Bình,…

Ồ ạt đầu tư, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” làm ăn thua lỗ trăm tỷ - Ảnh 2
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Con gái ông Lê Thanh Thản
Theo thông tin từ Tạp chí Nhà Quản Trị, năm 2016 doanh thu của Mường Thanh đạt 315 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước, chủ yếu đến từ việc Tập đoàn liên tục đưa thêm các khách sạn mới đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận thấp và chi phí vận hành cao, Tập đoàn đã báo lỗ 93 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với khoản lỗ 65 tỷ đồng trong năm 2015.

Mặc dù vậy, trên thực tế, thua lỗ không phải tình trạng mới xảy ra ở Tập đoàn này.

Được biết trước đó, tập đoàn này cũng đã có nhiều năm chịu lỗ, dẫn tới khoản lỗ lũy kế ngày một tăng lên. Tính tới cuối năm 2016, số lỗ lũy kế đã lên tới gần 200 tỷ đồng.

Để phù hợp với quy mô ngày càng lớn, năm ngoái Tập đoàn Mường Thanh cũng gấp rút tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng. Mới đây, tập đoàn này tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 2.674 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến năm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên – Chồng bà Yến nắm giữ 10% vốn điều lệ Tập đoàn.

Ồ ạt đầu tư, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” làm ăn thua lỗ trăm tỷ - Ảnh 3
Quy mô của Tập đoàn Mường Thanh
Một doanh nghiệp khác cũng quản lý số lượng lớn khách sạn Mường Thanh là Công ty Xây dựng số 1.

Doanh nghiệp này được thành lập năm 1987 và gắn liền với tên tuổi của ông Lê Thanh Thản, cùng nhiều dự án bất động sản nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư khu đô thị mới, tập trung vào phân khúc thị trường trung cấp và bình dân.

Theo đó, Công ty xây dựng số 1 là đơn vị chịu trách nhiệm xây các khách sạn Mường Thanh, đồng thời sở hữu khoảng 20 khách sạn Mường Thanh trên cả nước.

Năm 2016, hoạt động kinh doanh của Công ty này đem về kết quả không mấy khả quan khi doanh thu thuần đạt 732 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 114 tỷ đồng.

Không những thế, doanh nghiệp này còn phải giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp lý, chủ yếu đến từ việc xây dựng các căn hộ cao cấp.

Cụ thể, ngày 21/6 vừa qua, cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 104 căn hộ xây dựng sai phép của Mường Thanh tại dự án Mường Thanh Đà Nẵng.

Tương tự, tại Khánh Hòa, Sở Xây dựng tỉnh được UBND tỉnh yêu cầu triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án Mường Thanh Khánh Hòa. Dự án do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đã xây tới 43 tầng, trong khi quy hoạch chung của TP Nha Trang chỉ cho phép xây tối đa 40 tầng.

Cuối tháng 7/2016, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã khai trương khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Vientiane tại Thủ đô nước CHDCND Lào, cũng là khách sạn đầu tiên của Mường Thanh tại thị trường nước ngoài. 

Ồ ạt đầu tư, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” làm ăn thua lỗ trăm tỷ - Ảnh 4
Khách sạn Mường Thanh Vientiane - Lào
Hiện tại hệ thống khách sạn của Mường Thanh đang tập trung nhiều nhất tại Nghệ An (quê hương của ông Thản) với tổng cộng 10 khách sạn bao gồm 2 khách sạn Mường Thanh Luxury, 5 khách sạn Mường Thanh Grand và 3 khách sạn Mường Thanh Standard. 

Hà Nội là địa phương xếp thứ 2 khi đóng góp 2 khách sạn Mường Thanh Grand và 1 khách sạn Mường Thanh Standard. Các tỉnh khác đều chỉ sở hữu 1 khách sạn trong hệ thống của Mường Thanh.

Mới đây nhất ngày 15/6/2017, khách sạn thứ 50 của Tập đoàn Mường Thanh chính thức được khai trương tại Phủ Lý, Hà Nam.

Tính đến đầu năm 2018, Mường Thanh sở hữu kỷ lục chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương với 53 khách sạn và dự án khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao trong và ngoài nước. Tổng số phòng lưu trú của toàn Tập đoàn là 9.500 phòng.

Nếu tính thêm số phòng của 3 khách sạn 5 sao đi vào hoạt động năm nay, số phòng sẽ lên 12.000 phòng, chiếm 12% tổng lượng phòng được xếp hạng cả nước. 

 

Nguồn: VnFinance.vn/Thoidai 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục