Tập đoàn Hoa Sen: Tham vọng đưa “siêu dự án” Liên hợp Thép Cà Ná-Ninh Thuận hoạt động trở lại

(Kinhdoanhnet) – Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) đang dự kiến thông qua việc triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná-Ninh Thuận với công suất thiết kế tối đa 6 triệu tấn/năm. Được biết, Dự án Liên hợp Thép Cà Ná đã bị tỉnh Ninh Thuận rút chứng nhận đầu tư năm 2011.

Siêu dự án gần 10 tỷ USD bị “phá sản”

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ Dự án Liên hợp Thép Cà Ná là một trong những “siêu dự án” lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2008 và được khởi công xây dựng 2 tháng sau đó. Dự án do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD. Lúc được cấp chứng nhận đầu tư, Liên hợp Thép Cà Ná là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, dự án này đã được đặt rất nhiều kỳ vọng, với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội. Trong kế hoạch đặt ra, giai đoạn I (2008 - 2011), dự án sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, những khó khăn về tài chính do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến cho dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.

 

Tập đoàn Hoa Sen: Tham vọng đưa “siêu dự án” Liên hợp Thép Cà Ná-Ninh Thuận hoạt động trở lại - Ảnh 1

Dự án Liên hợp Thép Cà Ná-Ninh Thuận bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Internet

“Siêu dự án” Liên hợp Thép Cà Ná bị phá sản, kèm theo đó là kế hoạch xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná của Ninh Thuận cũng gặp khó khăn lớn trong việc hoàn thiện và đi vào vận hành. Tưởng chừng như tất cả đó đã kết thúc “giấc mơ” về một khu liên hợp công nghiệp hoành tráng, đem lại hy vọng về  việc giải quyết vấn đề việc làm cho nhân dân và sự phát triển kinh tế vượt bậc cho tỉnh Bình Thuận, nhưng không!

Hoa Sen và tham vọng “hồi sinh” Liên hợp Thép Cà Ná

Năm 2015 là năm phòng vệ thương mại đối với ngành thép, đến năm 2016, Chính phủ lại tiếp tục có phương án phòng vệ đối với sản phẩm thép khi gần đây, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài và tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam. Thêm vào đó, sự “nóng” lên của thị trường BĐS cũng là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến ngành thép Việt Nam. Những sự tích cực này được phản ánh rõ ràng trên thị trường chứng khoán khi mà từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu nhóm ngành thép có sự tăng trưởng tốt, trong nhiều thời điểm đã vươn lên thành nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

 

Tập đoàn Hoa Sen: Tham vọng đưa “siêu dự án” Liên hợp Thép Cà Ná-Ninh Thuận hoạt động trở lại - Ảnh 2

Tập đoàn Hoa Sen hưởng lợi lớn từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam. Ảnh: Internet

Nhắc đến cổ phiếu ngành thép không thể không nhắc đến “ông lớn” của ngành là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) đang có sự tăng trưởng tốt và ổn định. Nếu như đầu năm nay, cổ phiếu HSG giao dịch ở mức giá 32.200 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 04/01/2016 thì sau nhiều phiên tăng điểm, đến ngày 18/07/2016, cổ phiếu HSG đã tăng 12.500 đồng/cổ phiếu và giao dịch ở mức giá 44.700 đồng/cổ phiếu.

Với tín hiệu tốt từ thị trường và diễn biến tích cực của ngành, trong thời gian tới cổ phiếu HSG vẫn tiếp tục là cổ phiếu được các nhà đầu tư đánh giá khá cao và được “nhắm” đến trong đầu tư. Cổ phiếu HSG hứa hẹn sẽ còn tăng trưởng hơn nữa với khi thông tin về việc HSG có tham vọng “hồi sinh” lại siêu Dự án liên hợp thép Cà Ná–Ninh Thuận vừa mới được công bố.

Cụ thể rằng mới đây, HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã ra quyết định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường NĐTC 2015-2016 để trình và xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương triển khai dự án Khu liên hợp với công suất tối đa lên tới 6 triệu tấn/năm. Theo đó, HĐQT đề xuất triển khai đầu tư Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận. Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/9/2016 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Với công suất thiết kế tối đa 6 triệu tấn/năm, quy mô của dự án tại Cà Ná, Ninh Thuận rõ ràng là không hề nhỏ. Bởi vì, về năng lực sản xuất, tính đến cuối NĐTC 2014-2015, Tập đoàn Hoa Sen đang sở hữu 05 dây chuyền sản xuất tôn (công nghệ NOF) với tổng công suất thiết kế 1,22 triệu tấn/năm, 5 dây chuyền cán nguội với tổng công suất thiết kế 980.000 tấn/năm, 40 dây chuyền ống thép với tổng công suất thiết kế 502.400 tấn/năm và 22 dây chuyền ống nhựa với tổng công suất thiết kế 54.840 tấn/năm...

Như vậy, nếu ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn Hoa Sen tới đây thành công thì không những dự án này sẽ đem lại sản lượng cực lớn cho tập đoàn mà dự án này còn giúp khôi phục lại “siêu dự án” Liên hợp Thép Cà Ná–Ninh Thuận, thắp lại “giấc mơ” tưởng như không thể thành hiện thực về một khu liên hợp công nghiệp hiện đại bậc nhất của tỉnh Ninh Thuận.

Dương Sao

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục