Masan báo lỗ ròng 333 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

(Kinhdoanhnet) - Trong kỳ do chi phí tài chính bị đội lên 565 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước đã khiến cho lợi nhuận của MSN bị sụt giảm nghiệm trọng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Masan báo lỗ ròng 333 tỷ đồng.

 Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2014. Theo đó, trong quý này MSN đạt gần 4.190 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2013. 

Trong kỳ nhờ ngành hàng gia vị, hàng thực phẩm tiện lợi, các sản phẩm đồ uống mới tung ra thị trường tăng mạnh đã làm cho doanh thu hàng tiêu dùng tăng 33% trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước. Masan Resource đóng góp 1.145 tỷ doanh thu khi mỏ Núi Pháo tăng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên trong kỳ do chi phí tài chính bị đội lên 565 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước đã khiến cho lợi nhuận trước thuế của MSN trong quý II giảm gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 98,5 tỷ đồng.  Lợi nhuận sau thuế âm 66,9 tỷ đồng.

Masan báo lỗ ròng 333 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1
Masan báo lỗ ròng 333 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Kết quả MSN báo lỗ ròng gần 227 tỷ đồng trong quý II này.

Nguyên nhân mà Masan đưa ra cho sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu là do chi phí tài chính bị đội lên quá cao, các chi phí bất thường phát sinh đột biến tại dự án Núi Pháo, cũng như chi phí lãi vay và khấu hao trong mảng tài nguyên.

Mặt khác MSN còn giữ lại số dư tiền mặt hơn 5.000 tỷ đồng để đảm bảo sự linh hoạt cao hơn trong hoạt động đầu tư cũng như tiến hành các thương vụ M&A tiềm năng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, MSN đạt 6.943 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% so với 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của MSN lại bị âm 333 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị  tập đoàn Masan mới đây cũng đã thông qua phương án cho Masan hoặc Công ty TNHH MTV Tư vấn Hoa Phong Lan mua lại Công ty TNHH MTV LamKa.

Được biết, Công ty LamKa hiện đang nắm giữ 99,99% cổ phần của CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên (PYBECO). Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng thông qua tăng vốn điều lệ Hoa Phong Lan, LamKa và PYBECO và đổi tên Hoa Phong Lan thành công ty TNHH MTV Masan Brewery.

Trước thương vụ này, Masan Group cũng đã mua 2 doanh nghiệp đồ uống khác là Vinacafé Biên Hòa và công ty cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo. Masan đã thành lập Masan Beverage  để quản lý phần vốn tại 2 công ty này.

Được biết trong quý II và quý III sắp tới đây, Masan Group sẽ tiến hành tái cấu trúc để thành lập và trực tiếp sở hữu công ty Masan Agri và Masan Brewery, hai trụ cột mới để tập trung vào sự tăng trưởng từ ngành hàng tiêu dùng. Đây là 2 trụ cột mới cho sự tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng của Masan group.

Hoàng Công (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục