BacABank: Những số liệu cần chú ý trong báo cáo tài chính

Ngày 28/12, 500 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bắc Á(BacABank) chính thức giao dịch trên UpCOM với mã BAB, với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. Đây là ngân hàng thứ 5 lên sàn trong năm 2017.

Việc niêm yết cổ phiếu yêu cầu các ngân hàng buộc phải có số liệu chuẩn xác, đầy đủ. Do đó, “làm đẹp” sổ sách trở thành áp lực rất lớn với các ngân hàng, dẫn đến việc nhiều số liệu “co dãn”, đến mức bất thường.

Đột biến tiền gửi thị trường 2

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản BacABank đạt 85.888 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, cho vay khách hàng đạt 51.471 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 63.209 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Đáng chú ý, BacABank có tới 10.669 tỷ đồng tiền gửi và cho vay các TCTD khác, chiếm 16,88% nguồn huy động. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác là 7.738 tỷ đồng; tiền cho vay các TCTD khác là 3.002 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016, tổng tài sản BacABank đạt 75.952 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 47.658 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt 59.159 tỷ đồng. Trong năm 2016, BacA Bank cũng cho vay các TCTD khác đạt 6.128 tỷ đồng, chiếm 10,36% tổng huy động, đồng thời có 222 tỷ đồng tiền gửi tại các TCTD khác. Nói cách khác, sau 6 tháng, hoạt động kinh doanh trên thị trường 2 của BacABank tăng hơn 6% so với cả năm trước.

Việc “thừa tiền” để mang đi gửi, cho vay các TCTD khác cho thấy ngân hàng đang thừa thanh khoản. Nhưng với 10.669 tỷ đồng mang đi “gửi”, cho vay tại TCTD khác, dường như BacABank đang khó giải bài toán cho vay khách hàng truyền thống.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn một tháng bình quân tại các ngân hàng (thị trường 1) đang ở mức khoảng 4,85%/ năm, còn lãi suất huy động trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) chỉ khoảng 1,5%/năm, thấp thị trường 1 là 3,55%/năm.

Tất nhiên, các ngân hàng có thể vay vốn tại thị trường 2 để cho vay khách hàng và thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất này. Hiện, lãi suất cho vay khách hàng thông thường từ 6%- 9%/ năm tùy từng lĩnh vực. Nếu quản trị tốt, các ngân hàng có thể tối ưu hóa được chi phí huy động vốn của mình.

Tuy nhiên, trong trường hợp của BacABank thì khác. Ngân hàng đang cho vay thị trường 2 lớn hơn huy động từ chính thị trường này, đó lại là cách làm giảm lợi nhuận kinh doanh vốn của chính ngân hàng.

Theo BCTC quý III/2017, chỉ tính riêng quý III, thu nhập lãi thuần của BacABank đạt 421,705 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bất ngờ lỗ 16,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng.


BacABank: Những số liệu cần chú ý trong báo cáo tài chính - Ảnh 1
Lợi nhuận cuối năm có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh của các NHTM. Nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo.

Lãi “dự thu” quá lớn

Kết thúc quý III, ngân hàng ghi nhận 187 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 1.210 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 482,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 386,4 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, cũng tại BCTC quý III/2017 của BacABank, mục các khoản lãi, phí phải thu hay đạt con số “khủng”, lên tới 2.612 tỷ đồng, gấp 6,7 lần lợi nhuận sau thuế của ngân hàng.

Trước đó, năm 2016, mục này của BacABank cũng đạt 2.721 tỷ đồng, trong khi, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của ngân hàng đạt 512,5 tỷ đồng – lãi dự thu gấp 5,3 lần lợi nhuận sau thuế của ngân hàng.

Để so sánh lãi dự thu của BacABank là khá cao, có thể so sánh với trường hợp OCB, đến cuối tháng 9, tổng tài sản đạt 70.805 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 789 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu là 848 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với con số 2.612 tỷ đồng của BaABank.

Tại VIB, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản VIB đạt 88.610 tỷ đồng tăng 5% so với đầu năm; lợi nhuận sau thuế đạt 327 tỷ đồng; các khoản phí, lãi phải thu đạt 1.035 tỷ đồng.

Như vậy, so sánh với các ngân hàng cùng quy mô, BacABank là ngân hàng có số lãi dự thu cao nhất.

Được biết, lãi dự thu là những khoản lãi “trên giấy”, chưa thu được, nhưng các ngân hàng vẫn hạch toán khoản này như một khoản doanh thu chính thức. Các khoản lãi và phí này xuất hiện từ những khoản vay có thể có khả năng thu hồi cả lãi và gốc, và có thể không thu hồi được, hay còn gọi là nợ xấu, nhưng vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

Theo các chuyên gia ngân hàng, lãi dự thu tăng vọt không phải là vấn đề mới trong hệ thông ngân hàng Việt Nam. Những khoản này có liên quan mật thiết đến nợ xấu thực và thậm chí là tăng trưởng tín dụng thực.

Do vậy, lợi nhuận cuối năm có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh của các NHTM. Nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo.

Trong báo cáo tài chính của BacA Bank, khoảng lãi dự thu hàng nghìn tỷ đồng này thực chất ẩn chứa điều gì, có liên quan tới nợ xấu tại ngân hàng này, vẫn là một… bí ẩn.
TBKD sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Nhất Long/TBKD

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục