Bà Thái Hương sẽ chọn ở lại đâu giữa TH Milk và Ngân hàng Bắc Á?

Bà Thái Hương được xem là một trong những người phụ nữ quyền lực của giới tài chính Việt Nam khi vừa trong vai trò là một CEO của Ngân hàng Bắc Á, vừa là một lãnh đạo tài giỏi và đầy tham vọng của TH Milk. Tuy nhiên, khi Luật tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực thì bà Hương sẽ là một trong những người buộc phải lựa chọn giữa việc lãnh đạo Ngân hàng hay làm chủ doanh nghiệp.

Từ CEO tài ba của Ngân hàng Bắc Á…

Bà Thái Hương sinh năm 1958, là cử nhân ngành Kế toán Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Tên tuổi của bà được biết đến chủ yếu thông qua thương hiệu sữa TH – TH Milk với những phát ngôn gây “sốc” dù mới chỉ đầu tư vào hoạt động vài năm nay.

Trong giới tài chính Việt Nam, bà được xem là một trong những người phụ nữ đầy quyền lực. Tuy nhiên ít ai biết rằng, ngân hàng mới là nghiệp đi trước của bà Hương với sự ươm mầm, nảy nở từ hơn 20 năm trước với vai trò sáng lập, đồng thời giữ ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bắc Á – Bac A bank.

Mặc dù vậy cá nhân bà Thái Hương và Bac A Bank đều khá kín tiếng trên thị trường, cho nên việc bà Hương ít nổi danh trong lĩnh vực ngân hàng cũng là điều dễ hiểu.

Bà Thái Hương sẽ chọn ở lại đâu giữa TH Milk và Ngân hàng Bắc Á? - Ảnh 1

Được biết, bà Hương vốn là cán bộ ban vật giá tại Tp. Hải Phòng từ năm 1982-1985 sau đó về làm cho công ty vật liệu xây dựng tại Nghệ An. Những năm 1990, trước việc mở cửa thị trường, bà Hương quyết định ra lập công ty riêng chuyên về vật liệu xây dựng.

Năm 1994 bà Hương cùng một số cộng sự thành lập ngân hàng TMCP Bắc Á với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Sau 21 năm thành lập, hiện ngân hàng này trả qua nhiều lần tăng vốn điều lệ và hiện con số là 5.000 tỷ đồng và tổng tài sản là 85.856 tỷ đồng.

Không chỉ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bắc Á, bà Thái Hương hiện đang sở hữu 21.517.470 cổ phần, tương đương 4,77% vốn điều lệ Ngân hàng này.

Đến bà chủ đầy tham vọng của TH milk

Khi vụ bê bối sữa nhiễm Melamin vỡ lở năm 2008, cùng nguồn lực về tài chính đã có đủ, bà Hương quyết định bước chân vào ngành sữa với việc thành lập CTCP TH (TH Milk).

TH Milk được được thành lập với sự tư vấn tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và định hướng phát triển chủ động vùng nguyên liệu bằng việc đầu tư 450 triệu USD để nhập bò từ NewZealand, với việc ứng dụng công nghệ của Israel, chủ động nguồn sữa tươi.

Chỉ 6 năm sau khi có mặt trên thị trường, dưới bàn tay chèo lái của bà, TH true Milk trở thành một thương hiệu lớn trong ngành sữa Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2014, doanh thu của TH ước đạt trên 200 triệu USD, giữ vị trí là 1 trong 3 doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam và là một đối thủ đáng gờm của Vinamilk
Bà Thái Hương sẽ chọn ở lại đâu giữa TH Milk và Ngân hàng Bắc Á? - Ảnh 2
Một số sản phẩm của TH Milk

Để TH có được thành công đó, không thể không kể đến sự hỗ trợ về tài chính tại các dự án, các chương trình giới thiệu, truyền thông… từ phía Ngân hàng Bắc Á. Chính việc bà Thái Hương vừa là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của BacABank, đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT của TH Milk đã góp phần giúp cho hoạt động của hai tổ chức càng được thuận lợi, cùng hướng đến những tầm nhìn và sứ mệnh phục vụ nông nghiệp nông thôn.

Với những thành tích nêu trên, bà Thái Hương được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực châu Á năm 2015.
 Tuy nhiên, sắp tới Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực, trong đó quy định:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Chính vì vậy, khi Luật này có hiệu lực, bà Thái Hương sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Ngân hàng Bắc Á đã gắn bó với bà hơn 20 năm hoặc ở lại điều hành TH milk – doanh nghiệp do bà thành lập và gắn bó gần 10 năm nay.


Theo VnFinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục