Tín hiệu lạc quan cho HT1

Theo thống kê của VICEM, quý I/2014, tiêu thụ xi măng của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 tăng 6,7%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm.

Là doanh nghiệp xi măng hàng đầu cả nước, nhưng hiệu quả kinh doanh của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) liên tục sa sút trong những năm gần đây. Tuy vậy, khả năng HT1 được giải hạn là rất lớn nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, HT1 là công ty xi măng lớn nhất khi chiếm 8,05% th phần xi măng cả nước và 23% thị phần trong Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM).

Lợi nhuận cao, vay nợ lớn

Bên cạnh đó, HT1 cũng được đánh giá là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi khá tốt với công suất 6,8 triệu tấn xi măng/năm và sản lượng tiêu thụ 5,2 triệu tấn năm 2013. Hai động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của HT1 là tăng trưởng sản lượng và giá xi măng, trong đó tăng sản lượng tiêu thụ là quan trọng nhất.

Trong khi đó, mức sản xuất hiện tại của HT1 chỉ bằng 70% công suất, nhưng khi cầu xi măng tăng, lượng tiêu thụ của HT1 sẽ tăng mạnh và mang lại doanh thu rất lớn. Thống kê cho thấy, doanh thu của HT1 tăng trưởng bình quân 20% trong 5 năm qua.

Đây được xem là mức tăng trưởng khá tốt, đặc biệt trong năm 2013 ngành xi măng gặp nhiều khó khăn do sự đi xuống của ngành xây dựng và bất động sản, nhưng doanh thu của HT1 năm 2013 vẫn tăng 9,4%. Có thể thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HT1 khá tốt với biên lợi nhuận đạt khoảng 16%, tạo ra dòng lợi nhuận lớn và ổn định cho doanh nghiệp.

Tín hiệu lạc quan
 HT1 có thể tự chủ được vấn đề lợi nhuận ròng nếu giải quyết được 2 vấn đề: tăng lượng tiêu thụ xi măng, giảm nợ, từ đó giảm chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Khi đó, với hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo ra lợi nhuận hoạt động lớn thì HT1 sẽ đạt được mức lợi nhuận ròng cao và vượt trội so với các doanh nghiệp xi măng trong ngành.

Phân tích của BSC

uy nhiên, do vay nợ nhiều và một phần lớn vay nợ bằng ngoại tệ, nên HT1 phải gánh chịu chi phí lãi vay lớn và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng năm. Thời điểm trước năm 2014, HT1 sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 14% trong tổng nguồn vốn.

Tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của HT1 cuối năm 2013 là 8.224 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn 13.120 tỷ đồng. Do đó, phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính dùng để trả chi phí tài chính khiến lợi nhuận ròng ở mức rất thấp. Năm 2013, lợi nhuận hoạt động cốt lõi đạt 1.014 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá lên đến 1.057 tỷ đồng nên lợi nhuận ròng chỉ đạt vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh, số dư nợ bằng ngoại tệ (Euro và USD) của HT1 tính thời điểm hiện tại trị giá 2.428 tỷ đồng. Số nợ vay này sẽ được HT1 trả dần tới năm 2020-2021 và hàng năm công ty vẫn chịu rủi ro tỷ giá từ các khoản vay gốc ngoại tệ này.

Cuối năm 2013, HT1 phát hành 120 triệu CP cho công ty mẹ là VICEM để trừ công nợ trị giá 1.200 tỷ đồng thành vốn góp. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhờ đó tăng lên 24% trong tổng nguồn vốn nên gánh nặng lãi vay của HT1 được giảm nhẹ phần nào. Vấn đề mấu chốt khác là nhu cầu tiêu thụ xi măng cũng đang nằm trong xu hướng hỗ trợ cho HT1.

Theo thống kê của VICEM, quý I/2014, tiêu thụ xi măng tăng 6,7%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Bên cạnh đó, trong dài hạn, cầu xi măng khu vực Nam bộ được dự báo rất lớn khi kinh tế hồi phục, đặc biệt khi Đặc khu kinh tế Phú Quốc được khởi công thì tăng trưởng tiêu thụ xi măng của HT1 sẽ rất cao. Giá xi măng VICEM được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014.

Động lực tăng giá đến từ việc VICEM phải cổ phần hóa trước năm 2016, trong khi việc tăng giá sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh của VICEM. Đồng thời, CPI đang ở mức thấp nhất trong 13 năm, cùng với tiêu thụ phục hồi, sẽ thuận lợi cho việc giá xi măng tăng trong năm 2014.

Theo CTCK BIDV (BSC), một lợi thế không không thể không nhắc đến chính là việc sáp nhập giữa HT1 với CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2). Trước khi sáp nhập với HT2, HT1 có nhiều bất lợi về nguồn nguyên liệu sản xuất vì phải nhập khẩu clinker từ nước ngoài và một phần vận chuyển từ phía Bắc vào nên giá cao và nhiều rủi ro.

Đặc biệt, do phân chia thị trường tiêu thụ giữa 2 công ty nên HT1 chỉ tiêu thụ xi măng tại một số vùng ở phía Nam nên hiệu quả không cao và lợi nhuận khá thấp. Sau sáp nhập, HT1 đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào của HT2 đồng thời có thể mở rộng thị trường ra cả khu vực phía Nam (từ Quảng Ngãi trở vào).

Theo Sài Gòn Đầu Tư

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục