Sabeco: Thách thức vẫn ở phía trước

Sabeco vẫn bị ép chỉ tiêu lợi nhuận tăng so với năm ngoái, con số ước tính lên tới 810 tỷ đồng - một thách thức quá lớn đối với Sabeco.

Tập trung, đầu tư sản xuất bia

Trong cơ cấu sản phẩm thì bia chiếm tới 97,3% doanh thu của Sabeco, 2,7% còn lại là từ rượu và nước giải khát. Do đó, Tổng công ty đã kiến nghị Bộ Công thương đổi tên thành Tổng Công ty cổ phần Bia Sài Gòn.

Chủ tịch HĐQT SABECO Phan Đăng Tuất cho biết: năm 2013, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia Sài Gòn là 1,321 tỷ lít, nộp ngân sách 12.854 tỷ đồng, tỉ lệ chia cổ tức là 23%. Tổng doanh thu sản xuất kinh doanh chính đạt 28.186 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.495,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên năm 2013, Sabeco sở hữu 51% CTCP Rượu Bình Tây. Năm ngoái, công ty rượu này sản xuất được 1,8 triệu lít và kế hoạch năm nay là 1,7 triệu lít. Con số thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2014 là 400.000 lít.

Đối với nước giải khát, Sabeco sở hữu 51% CTCP Nước giải khát Chương Dương. Ông Tuất cho biết: việc nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm nước giải khát mới trong bối cảnh đa dạng chủng loại hiện nay là rất khó khăn, chi phí quảng cáo tiếp thị rất lớn. Do đó, hoạt động kinh doanh nước giải khát của Sabeco trong thời gian tới sẽ ở mức cầm chừng.

Với mục tiêu "bia là tất cả", sắp tới, Sabeco sẽ cơ cấu lại một số sản phẩm. Sabeco hiện có 2 sản phẩm được xếp vào nhóm "bò sữa" là Saigon lon 333ml và Saigon Export chai 355ml, nhưng đáng lo ngại là thị phần 2 sản phẩm "bò sữa" này lại đang giảm dần.

Sabeco: Thách thức vẫn ở phía trước - Ảnh 1
Mục tiêu "Bia là tất cả"

Hiện bia chai Laser 450ml đang bị lỗ, nên sắp tới, Sabeco sẽ giảm sản lượng đối với sản phẩm này. Ngoài ra, Sabeco đang chuẩn bị để ra mắt sản phẩm cao cấp là Sài Gòn Gold trong năm nay

Sabeco đã có 1 bước nữa điều chỉnh giá bán đối với một số mặt hàng bia trong 2013 và giá bán còn có thể tăng thêm nữa.

Kế hoạch năm 2014

Tính đến thời điểm hiện tại, Sabeco vẫn nhập nhằng về mục tiêu hoạt động: nửa vì lợi nhuận, nửa làm chính sách; hoạt động theo mô hình cổ phần nhưng vẫn còn quá nặng "bóng" Nhà nước. Nhất cử nhất động, Sabeco đều phải xin ý kiến đơn vị chủ quản là Bộ Công thương. Ngay cả việc đổi tên thành Tổng CTCP Bia Sài Gòn cũng phải chờ Bộ quyết định.

Sở dĩ như vậy bởi vì:  Nhà nước nắm giữ trên 89% vốn chủ sở hữu tại Sabeco, điều này khiến Sabeco khó khăn hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ lên sàn, dù Sabeco đã nhìn nhận ra "tổng công ty có tiềm lực tài chính, hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, tự tin về trình độ công nghệ, đang chiếm ưu thế về thị trường nội địa.....nhưng thiếu cơ chế quản trị chuyên nghiệp".

Ông Tuất cho biết, Sabeco vẫn bị ép chỉ tiêu lợi nhuận tăng so với năm ngoái. Theo tính toán, nếu phải tăng lợi nhuận trước thuế 3% thì sẽ tương đương với 110 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vận tải có thể lên tới 500 tỷ đồng, rủi ro giá nguyên liệu 200 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế năm nay phải tăng 810 tỷ đồng. So với năm ngoái thì con số này tăng 20%,  điều này là một thách thức quá lớn đối với Sabeco.

Năm 2014, Sabeco tiếp tục đề án tái cấu trúc Tổng công ty, tập trung vào hệ thống vận tải, phân phối và quy hoạch hệ thống tổng kho của Bia Sài Gòn. Công ty sẽ tiến hành thanh lý những tài sản không còn sử dụng được hoặc đã lạc hậu nhằm làm sạch báo cáo tài chính, chuẩn bị cho niêm yết cổ phiếu, đồng thời tiếp tục thoái vốn tại những doanh nghiệp không mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với khoản đầu tư ngoài ngành.

Ngoài ra, Sabeco cũng kiến nghị cổ đông lớn, là Bộ Công thương, sớm có kế hoạch bán bớt phần vốn Nhà nước để đưa Sabeco trở thành công ty cổ phần đại chúng thực thụ, tạo điều cho hiện đại hóa quản trị và minh bạch.

Năm nay, Sabeco đặt kế hoạch tổng doanh thu 29.322 tỷ đồng, tăng 615 tỷ đồng (+2,14%); lợi nhuận trước thuế 3.431 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng (-0,41%) so với năm 2013, Sabeco cố gắng duy trì cổ tức 23%, nếu điều kiện tốt hơn sẽ tăng lên.

Sabeco: Thách thức vẫn ở phía trước - Ảnh 2
Kế hoạch 2014 của Sabeco.

Tuy nhiên, Sabeco cho rằng, năm 2014 Sabeco sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia khác, đặc biệt là các hãng nước ngoài. Do đó, Sabeco đặt ra mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia Sài Gòn ở mức 1.336 tỷ lít, tăng 1%.

Ngoài ra, chủ trương dán tem bia trong năm 2014 cũng là một thách thức. Sabeco ước tính, nếu quy định dán tem sản phẩm được đưa vào áp dụng thì chi phí từ việc dán tem sẽ làm phát sinh 800 tỷ đồng chi phí, chưa bao gồm chi phí đầu tư máy móc để thực hiện việc này. Chi phí vận tải ước tăng thêm 500 tỷ đồng do việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát tải trọng đối với phương tiện vận tải đường bộ.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục