Gánh nặng nợ vay và hàng tồn kho nhìn từ Tập đoàn Hà Đô

Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG) vừa công bố báo cáo tài chính quí 3/2017 cho thấy, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn chỉ đạt trên 300 tỷ đồng, giảm 28%. Đặc biệt, gánh nặng từ hàng tồn kho và nợ vay của Tập đoàn tăng cao gần 300%.

Gánh nặng nợ vay và hàng tồn kho nhìn từ Tập đoàn Hà Đô - Ảnh 1
Gánh nặng hàng tồn kho và nợ vay khiến Tập đoàn Hà Đô kinh doanh không mấy sáng sủa

Theo báo cáo tài chính, do doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn chỉ vỏn vẹn hơn 6 tỷ đồng, tiếp tục sụt giảm mạnh so với 11 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình tài chính riêng của Hà Đô còn “bết bát” hơn nhiều, khi doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm 37% doanh thu so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt hơn 72 tỷ đồng. Quý 3 năm ngoái, Hà Đô báo cáo tài chính riêng lợi nhuận vỏn vẹn 11 tỷ đồng thì năm nay báo lỗ đến 13 tỷ đồng.

Theo giải trình của Ban Giám đốc, công ty mẹ chủ yếu ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản. Do công ty mẹ đang đầu tư nhiều dự án nên phát sinh thêm chi phí lãi vay, dẫn đến lợi nhuận giảm. Điều này cũng dẫn đến lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất giảm theo.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, trong khi hàng tồn kho của các DN bất động sản có xu hướng giảm thì của Tập đoàn lại tăng lên, đây là điều đáng lo ngại. Báo cáo tài chính cho thấy, Tập đoàn Hà Đô có mức tăng trưởng hàng tồn kho nhiều nhất. Cuối năm 2015, Hà Đô chỉ có 985 tỉ đồng hàng tồn kho. Nhưng 9 tháng đầu năm  2017, lượng hàng tồn kho của Tập đoàn tăng cao 2.955 tỉ đồng, tăng gần 300% so với thời điểm cuối năm 2016.

Phân tích các chỉ số tài chính của Hà Đô cho thấy lợi nhuận sụt giảm trong khi hàng tồn kho tăng. Điều đáng nói là quy mô nợ, trong đó nợ vay chiếm 1 tỷ lệ không nhỏ tiếp tục tăng mạnh. Tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017 nợ phải trả của  của Tập đoàn 5.703 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn 2.370 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 3.333 tỷ đồng.

Với tình trạng hàng tồn kho bất động sản lớn như hiện nay, rõ ràng tình hình tài chính của Tập đoàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nợ xấu. Điều này đồng nghĩa kinh doanh bất động sản không còn là mảnh đất màu mỡ của Hà Đô nói chung và các DN bất động sản nói riêng...

Được biết, Tập đoàn Hà Đô tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc viện kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng (1990) cổ phần hóa năm 2004, đến nay sau nhiều thay đổi Cty CP Tập đoàn Hà Đô có 6 Cty cổ phần thành viên và 2 Công ty cổ phần liên doanh, hoạt động theo mô hình Tập đoàn.

Ngày  2/02/2010, 13,5 triệu cổ phiếu HDG giao dịch chính thức trên HOSE và giá đóng cửa phiên đầu tiên lên tới 103.000 đồng. Đến phiên ngày 31/11/2017 cổ phiếu của Tập đoàn này giao dịch ở mức quanh 31.000 đồng/cổ phiếu. Sau 7 năm trên sàn, Hà Đô đã trở thành DN có vốn điều lệ gần 760 tỷ đồng và vốn hóa thị trường hơn 2.400 tỷ đồng tính thị giá cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 31/11/2017. Hiện tại, Bộ Quốc Phòng đã thông báo thoái 100% vốn tại Tập đoàn này

Trong các dự án của Tập đoàn, Hà Đô Centrosa Garden được xem như “con gà đẻ trứng vàng”. Theo dự tính, dự án Hà Đô Centrosa có tổng quy mô doanh thu khoảng 9.400 tỷ, trong đó khu thấp tầng đã bán hết đạt 1.400 tỷ. Khu cao tầng gồm trên 2.000 căn hộ của dự án có tổng doanh thu dự kiến khoảng 8.000 tỷ.

Trong khi, Hà Đô Centrosa Garden được coi là “con át chủ bài” của Tập đoàn Hà Đô thì nhiều dự án của Tập đoàn kinh doanh không hiệu quả, đặc biệt tình hình tài chính không sáng sủa khi gánh nặng hàng tồn kho lớn…Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, trong 10 DN bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn nhất cả nước Tập đoàn Hà Đô xếp ở vị trí thứ 4.

Theo Hà Phương/Diễn đàn DN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục