Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ 'phủ bóng' tại hàng loạt dự án BT, BOT

Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ (người có biệt danh "Út trọc") cùng các công ty khác như Yên Khánh, Đức Bình, Tuấn Lộc thành lập nhiều liên danh để thực hiện hàng loạt dự án BT, BOT.

Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) do ông Đinh Ngọc Hệ làm chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này là thành viên của Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng. Ông Đinh Ngọc Hệ có biệt danh là "Út trọc". Vào ngày 22/12, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã xác nhận "quân đội vừa xử lý, bắt "Út trọc”.

Được thành lập năm 2009, doannh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng các công trình giao thông cầu đường, các công trình dân dụng và quốc phòng, khai thác khoáng sản; vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; khai thác kho bãi Logistics; đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, đô thị; các khu vui chơi, giải trí; phân phối bia rượu nước giải khát; kinh doanh nhà hàng, khách sạn,…

Dự án đầu tư khôi phục, cải tạo QL20 – Lâm Đồng

Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh.

Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ 'phủ bóng' tại hàng loạt dự án BT, BOT - Ảnh 1
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 do Liên danh Tổng công ty 319 - Công ty Thái Sơn - Công ty Yên Khánh làm chủ đầu tư
Tháng 3/2014, Liên danh trên đã thành lập Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 có số vốn điều lệ là 555,3 tỷ đồng do ông Nguyễn Việt Dũng làm đại diện pháp luật. Trong đó, Tổng công ty 319 góp 222,12 tỷ đồng (tương đương 40%), Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh mỗi công ty góp 166,59 tỷ đồng (tương đương 30%).

Tháng 4/2017, Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 đã thay đổi người đại diện pháp luật là ông Trần Xuân Bình.

Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 - Km268+000 tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT có tổng mức đầu tư 2.451,31 tỷ đồng với chiều dài khoảng 134,64km.

Dự án được chia làm 2 phần: Phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, điểm đầu tại Km123+105 và điểm cuối tại Km154+400; phần 2 đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, điểm đầu tại Km154+400 và điểm cuối tại Km268.

Nhà nước sẽ bố trí ngân sách chi trả cho phần 2 đầu tư theo hình thức BT. Còn phần 1 chủ đầu tư sẽ lập trạm thu phí với thời gian là 22 năm. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, thời gian thu phí còn lại là 17 năm 11 tháng.

Dự án BOT cầu Việt Trì

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì) được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2932/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2013 và chính thức khởi công xây dựng ngày 30/11/2013.
Công ty Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ 'phủ bóng' tại hàng loạt dự án BT, BOT - Ảnh 2
Dự án BOT Việt Trì do Liên danh Cienco1 - Công ty Thái Sơn - Công ty Yên Khánh làm chủ đầu tư 
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.828 tỷ đồng, được chỉ định cho Liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty Thái Sơn.

Để thực hiện dự án, Liên danh này đã lập ra Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là CIENCO1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn 40% (106 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2015 của CIENCO1, Công ty này mới chỉ góp 44,5 tỷ đồng vào BOT cầu Việt Trì nhưng đã chiếm tới 27,61% vốn sở hữu.

Loạt dự án có sự góp mặt của Thái Sơn

Ngoài ra, Công ty Thái Sơn còn góp mặt ở một loạt dự án khác trong nhiều vai trò khác nhau như: Dự án nâng cấp và cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Nha Trang - Khánh Hòa theo hình thức Trái phiếu Chính phủ; thi công dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku; thi công dự án Tổ hợp thương mại - dịch vụ và văn phòng số 3 Trần Phú - Nghệ An;...

Hồi cuối tháng 2/2016, Công ty Thái Sơn và Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình (Liên danh Thái Sơn - Đức Bình) đã có tờ trình gửi Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin tham gia đầu tư dự án cảng hàng không Vũng Tàu theo hình thức PPP.

Tiếp đến, tháng 5/2016, Liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn – Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) – Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình – Cái Mép đã đề xuất Thành ủy và UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận cho phép được nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái (nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) theo hình thức BOT kết hợp BT.

Cuối năm 2016, UBND TP.HCM còn giao Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) – Công ty Thái Sơn – Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc nghiên cứu lập Đề xuất dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản, quận 4 theo hình thức đối tác công - tư (Hợp đồng BT).

Ngoài ra, Liên danh Thái Sơn – Đức Bình còn xin tham gia đầu tư vào khu “đất vàng” 621 Phạm Văn Chí.

Trong những công ty liên doanh với Công ty Thái Sơn, cái tên Cienco 1 chắc hẳn ai cũng biết. Còn các công ty như Yên Khánh, Tuấn Lộc hay Đức Bình thì còn khá mới mẻ.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh được thành lập từ năm 2005 do bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) làm Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ hiện nay của Công ty Yên Khánh là 1.800 tỷ đồng gồm ba cổ đông sáng lập là: bà Đinh Thị Hiên (30%), Vũ Thị Hoan (69,5%) và Đinh Thị Liên (0,5%). Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, Công ty Yên Khánh là cổ đông chiến lược của Cienco1 với 28,28% tỷ lệ sở hữu.

Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình được thành lập từ năm 2002. Hiện nay công ty này có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Trước tháng 8/2017, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình là ông Đinh Ngọc Hùng, sinh năm 1982, có hộ khẩu thường trú tại Yên Khánh – Ninh Bình.

Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005. Chủ tịch HĐQT của công ty này là ông Trần Tuấn Lộc - một doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 8X có quê gốc ở Nghệ An. Tháng 7/2017, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Tuấn Lộc đang xúc tiến đẩy mạnh hoạt động đầu tư trên lãnh thổ cả nước và hợp tác nước ngoài, với nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6 - Đồng Nai; Dự án đầu tư xây dựng Khu công Nghiệp Tuấn Lộc - Khu Kinh tế Đông Nam - tỉnh Nghệ An; Dự án đầu tư xâydựng Đường cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Theo Nhadautu

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục