Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"!

Quy định mới cấm Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng làm lãnh đạo công ty khác vừa được Quốc Hội thông qua có tác động mạnh mẽ đến hàng loạt lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng khi họ sẽ phải tìm cách lựa chọn vị trí của mình ở một trong hai đơn vị: Hoặc ngân hàng, hoặc doanh nghiệp nơi mình làm đang làm lãnh đạo kiêm nhiệm.

Ngày 20/11 vừa qua, Quốc Hội đã họp và thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung, với 88% số phiếu tán thành. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày15/1/2018, trong đó nhiều điều khoản, quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế sở hữu chéo cũng như hạn chế sự tham gia quản trị, điều hành của lãnh đạo của ngân hàng vào các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Thực tế hiện nay đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, với quy định mới này sẽ dẫn đến sự biến động đáng kể đối với chức danh lãnh đạo chủ chốt của hàng loạt ngân hàng và các tập đoàn tư nhân lớn khi họ buộc phải lựa chọn lựa chọn từ bỏ 1 trong 2 chức danh. Trong đó có thể kể đến như:

Ông Đỗ Minh Phú

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 1

Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1953, là Cử nhân Vô tuyến Điện tử - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi đổ vốn vào tái cơ cấu Ngân hàng năm 2012, ông Đỗ Minh Phú được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhiệm kỳ 2013-2018. 

Ngoài làm Chủ tịch ngân hàng TPBank, hiện ông Phú đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI gồm nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực trang sức, khoáng sản và bất động sản.

Giữa TPBank và DOJI cũng có mối quan hệ rất thân thiết khi trên giấy tờ DOJI và nhóm cổ đông liên quan sở hữu tối đa 20% vốn ngân hàng này. 

Ông Dương Công Minh

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 2

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, là Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi thôi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank, ông Minh được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank vào cuối tháng 6/2017. 

Ngoài ra, ông Minh cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, doanh nghiệp đang có nhiều tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, với quỹ đất lớn, có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Dương Công Minh góp 99% vốn.

Ông Đỗ Quang Hiển

 

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 3

Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962, là Kỹ sư Vật lý vô tuyến. Tháng 6/2008, ông Hiển được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn –Hà Nội SHB. 

Hiện nay, ngoài là Chủ tịch SHB ra, ông Đỗ Quang Hiển còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn T&T, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SHS. 

Ngoài ra, Tập đoàn T&T còn có "sân sau" là T&T Land, chuyên phát triển bất động sản, đang sở hữu quỹ đất cực lớn, với tham vọng sẽ trở thành một nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam...

Ông Đặng Khắc Vỹ 

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 4

Ông Đặng Khắc Vỹ sinh năm 1968, là kỹ sư mỏ địa chất, Tiến sĩ Kinh tế - Học viện hàn lâm Liên Bang Nga. Hiện, ngoài việc giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), ông Đặng Khắc Vỹ còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mareven Food Holdings có trụ sở tại CH Síp. 

Ông Võ Quốc Thắng

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 5

Ông Võ Quốc Thắng sinh năm 1967, là Cử nhân Quản trị kinh doanh cao cấp. Hiện, ông Thắng đồng thời là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long kiêm Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group.

Ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang

Điểm danh những "Sếp lớn" Ngân hàng sẽ buộc phải "chặt bớt" vị trí kiêm nhiệm ở... "sân sau"! - Ảnh 6

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Masan ông Nguyễn Đăng Quang là Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất của Techcombank. 

Với tỷ lệ sở hữu 15% của Masan tại Techcombank, đây được coi là trường hợp sở hữu chéo điển hình trong ngành ngân hàng hiện nay.

Ngoài ra còn có thể kể đến nhiều trường hợp khác vừa làm lãnh đạo ngân hàng, lại là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khác, có thể kể đến, như: Ông Vũ Văn Tiền chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình - ABBank kiêm Chủ tịch tập đoàn Geleximco và nhiều công ty con của cả hai pháp nhân này; Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng OCB kiêm nhiều vị trí khác như: Thành viên HĐQT công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Thành viên HĐQT công ty cổ phần Thực phẩm xanh; 

Bà Thái Hương là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á từ thời điểm thành lập (năm 1994) cho đến nay, đồng thời bà đang là Chủ tịch CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk); 

Ông Nguyễn Quốc Toàn hiện đang là Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Nha Trang, Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty thương mại Hoàn Cầu...

Với quy định từ 15/1/2018, đặc biệt việc quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo của các ngân hàng hiện nay, rõ ràng các lãnh đạo ngân hàng bắt buộc phải từ nhiệm một trong hai chức danh tại ngân hàng và các doanh nghiệp mà họ kiêm nhiệm. 

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc quy định này là bước tiến mới nhằm "chặt vòi" bạch tuộc của sở hữu chéo và đảm bảo hoạt động an toàn của toàn hệ thống.

Theo Vnfinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục