Công ty Hancic: Tự 'đẻ' quy định, vi phạm luật Báo chí

Mặc dù phóng viên xuất trình đầy đủ chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc nhưng một nhân viên công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội từ chối tiếp nhận và làm việc vì quy định của công ty là "không làm việc với phóng viên mà chỉ làm việc với nhà báo?".

Dự án khu đô thị mới (KĐTM) Trung Văn tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) do công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng KĐTM hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng, tạo thêm quỹ đất để phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở. Dự án có diện tích 116.000m2, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với dự án này, việc xác định tiền sử dụng đất đới với đơn nguyên 2 tại ô đất CT3 có diện tích hơn 9.000m2, liên ngành trình thành phố HN phê duyệt tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Trong đó có khoản chi phí dự phòng đưa vào tổng chi phí phát triển không đúng quy định tại Thông tư số 145 năm 2007 của bộ Tài chính đã làm thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Đối với diện tích tầng 1 của các chung cư CT1,2,4 theo biên bản về xác định tiền bồi thường được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp, trong đó xác định tiền sử dụng nhà chung cư cao tầng là hơn 600 triệu đồng. Nhưng chủ đầu tư không thực hiện bàn giao cho thành phố theo quyết định giao đất mà sử dụng để kinh doanh nên tiền sử dụng đất phải nộp là 2,1 tỷ đồng.

Để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã liên hệ với phía Hancic.

Công ty Hancic: Tự 'đẻ' quy định, vi phạm luật Báo chí - Ảnh 1
Dự án KĐTM Trung Văn.

Tuy nhiên, điều lạ là phía công ty này có quy định “không làm việc với phóng viên chưa có thẻ nhà báo”. 

Khi phóng viên có mặt tại trụ sở công ty Hancic (76 An Dương, quận Tây Hồ) để liên hệ công tác, nhân viên văn thư giới thiệu phóng viên lên tầng 2 gặp ban Thư ký để đặt lịch làm việc. Tại phòng của ban Thư ký, phóng viên được gặp bà Chử Thị Minh Huê.

Khi phóng viên xuất trình chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu của cơ quan có ghi đầy đủ nội dung làm việc thì bà Huê có thái độ hạch sách. Bà không tiếp nhận giấy giới thiệu và yêu cầu phóng viên phải có thẻ nhà báo thì mới tiếp nhận đặt lịch làm việc.

Bà này cho biết: “Phóng viên không có thẻ nhà báo đến đặt lịch làm việc, nếu công ty có tiếp nhận giấy giới thiệu thì công ty cũng sẽ không trả lời? Đó là nguyên tắc của công ty. Tôi không quan tâm đến luật Báo chí vì tôi không hành nghề. Tôi chỉ quan tâm đến quy định của công ty”.

Mặc dù phóng viên giải thích rõ ràng theo quy định của luật Báo chí, phóng viên chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu với đầy đủ nội dung thông tin là đủ điều kiện làm việc với phía đại diện lãnh đạo công ty này. Tuy nhiên, cách hành xử và trả lời của người tiếp nhận thông tin thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật và không có thiện chí làm việc. 

Bỏ ngoài tai những lời giải thích của phóng viên, vị này không tiếp nhận và cố ý “đẩy” trách nhiệm giải quyết, tiếp nhận thông tin cho bộ phận văn thư.

Trước thông tin mà nhân viên ban Thư ký Hancic đưa ra, công ty có quy định không làm việc với phóng viên không có thẻ nhà báo, phóng viên thấy bất ngờ vì điều này là vi phạm luật Báo chí.

Theo quy định tại khoản 12, Điều 9, luật Báo chí: Nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Việc cán bộ ban Thư ký công ty Hancic có hành vi và lời nói như trên thể hiện phía công ty Hancic đã tự mình đặt ra “giấy phép con” đối với hoạt động tiếp xúc báo chí. Ngoài ra, việc không tiếp nhận giấy giới thiệu của vị này là hành vi cản trở phóng viên trong hoạt động tác nghiệp báo chí đúng quy định được pháp luật bảo hộ.

Để xác định lại việc có hay không công ty Hancic có “quy định con” vi phạm luật Báo chí như nêu trên, phóng viên gặp bà Phạm Thị Hồng Thắm – Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty Hancic.

Bà Thắm cho biết: “Đúng là nguyên tắc công ty là như vậy và đấy cũng là quy định nội bộ của công ty”.

Đến đây có thể khẳng định, quy định không tiếp nhận giải quyết giấy giới thiệu của phóng viên chưa có thẻ nhà báo của công ty Hancic là "ngồi trên" và vi phạm luật Báo chí hiện hành.

Cách hành xử và trả lời của nhân viên ban Thư ký công ty Hancic và quy định không làm việc với phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết về pháp luật của công ty Hancic.

Cản trở phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật bị xử phạt

Tại Điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, ghi rõ:

 “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại điểm c, khoản 3, Điều này”. 

Theo Kao Sơn/Người đưa tin

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục