Thành công của quỹ Mở trên TTCK

(Kinhdoanhnet) - Quỹ Mở đa dạng hóa các khoản đầu tư vào nhiều cổ phiếu, và phụ thuộc vào chính sách đầu tư của quỹ Mở - có thể đầu tư vào trái phiếu, là loại tài sản mà các nhà đầu tư cá nhân không thể thực hiện được do những quy định pháp lý và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nhất là khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều đang suy giảm, thì nhiều quỹ mở đang có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng.

Quỹ Tương hỗ là quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư và được quản lý bởi một Công ty Quản lý Quỹ đầu tư. Dựa trên tính thanh khoản, quỹ Tương hỗ có thể được phân ra làm nhiều loại quỹ, bao gồm các quỹ Mở.

Quỹ Mở là một hình thức quỹ Tương hỗ trong đó nhà đầu tư góp vốn cho một mục đích đầu tư chung trong một khoảng thời gian không giới hạn. Vì thế quỹ "mở" về mặt thời hạn và số lượng các nhà đầu tư tham gia. Quỹ Mở cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ theo giá đóng cửa của chứng chỉ - Giá trị Tài sản ròng (NAV)– vào bất kỳ ngày giao dịch nào của quỹ.

Kể từ thời điểm quỹ đầu tư chứng khoán (ĐTCK) đầu tiên được cấp phép thành lập tháng 5/2004 đến 30/11/2013, có 13 công ty thực hiện quản lý 19 quỹ đầu tư, trong đó có 10 quỹ thành viên (HNF, Việt Nhật, SSIMF, VEFF, VIF, VPF1, VPF3, VTF, MBEF1, Y tế Bản Việt) và 9 quỹ đại chúng (2 quỹ đóng và 7 quỹ mở). Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đạt xấp xỉ 6.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản quản lý.

Thành công của quỹ Mở trên TTCK - Ảnh 1

Hiện trên TTCK trong số 19 Quỹ đầu tư, có 10 Quỹ thành viên và 9 quỹ đại chúng. Sau khi khung pháp lý về quỹ mở (Thông tư 183/2011/TT-BTC) bắt đầu có hiệu lực năm 2012, các công ty quản lý quỹ đã từng bước thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động của các quỹ. Cụ thể, giải thể các quỹ thành viên, quỹ đóng và chuẩn bị thành lập các quỹ mở.

Trong năm 2013, UBCKNN đã cấp phép chào bán và cấp phép thành lập cho 9 quỹ mở (quỹ MBBF, VFF, VFMVFB, VFMVFA, VFMVF1, VFMVF4, VCBF-TBF, BVFED, ENF). Ngoài ra, 8 quỹ mở khác đang trong quá trình thẩm định để thành lập.

Các quỹ mở ngày càng tỏ ra nhanh gọn trong việc chào bán chứng chỉ quỹ, thời hạn IPO ngày càng rút ngắn xuống chỉ còn 1-1,5 tháng so với thời gian 2-3 tháng trước kia. Với việc tìm kiếm các đối tác cam kết góp vốn trước khi chính thức chào bán, các công ty quản lý quỹ hầu như chắc chắn có đủ số vốn huy động được theo yêu cầu (50 tỷ đồng) trước khi thông báo chính thức chào bán ra công chúng.

Trong khi các đối tác sẵn sàng góp vốn cho các quỹ mới, nhà đầu tư đại chúng – đối tượng khách hàng chính của quỹ mở - cũng bắt đầu rục rịch mua loại sản phẩm tài chính này.

Trong tháng 5, có 4/10 quỹ mở đang giao dịch tăng được giá trị tài sản ròng (NAV) trong tháng này, gồm 2 quỹ trái phiếu, 1 quỹ cân bằng và 1 quỹ cổ phiếu.

Hai quỹ trái phiếu MBBF của MBCapital và VFF của VinaWealth đều bật tăng mạnh trong tháng 5, với mức tăng NAV lần lượt là 1,57% và 1,23% trong vòng 5 tuần. Với kết quả này, Quỹ MBBF đã tăng 4,51% trong 5 tháng đầu năm, Quỹ VFF tăng 2,58% trong cùng thời gian.

Quỹ VFB của VFM có NAV đi ngang trong tháng 5, nhưng nhờ mức tăng mạnh trong các tháng trước nên hiện nay, VFB vẫn có mức tăng lũy kế so với đầu năm cao nhất, đạt 4,94% trong vòng 5 tháng.

3 trong số 4 quỹ cân bằng đạt kết quả hoạt động tốt hơn thị trường trong tháng 5. Trong đó, Quỹ BVFED của Baoviet Fund thậm chí còn lội ngược dòng khi tăng 1,31% trong vòng 5 tuần. Tuy nhiên, do quỹ này có NAV giảm mạnh trong tháng trước, nên NAV cuối tháng 5 vẫn giảm 1,68% so với thời điểm bắt đầu đi vào giao dịch hồi tháng 2.

Hai quỹ ENF của Eastspring Investments và VCBF-TBF của VCBF đều có NAV giảm nhẹ hơn so với mức giảm của VN-Index. Riêng Quỹ VF1 của VFM giảm mạnh hơn thị trường suốt trong hai tháng 4 và 5.

Tính chung 5 tháng đầu năm, Quỹ VF1 tăng 8,57%; Quỹ VCBF-TBF tăng 2,62%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index đo lường thị trường cổ phiếu tăng 11,38% và các quỹ trái phiếu tăng 3 - 5%.

Quỹ MBVF của MBCapital có tháng giao dịch đầu tiên (tháng 5) rất thuận lợi, khi mà quỹ cổ phiếu này đã đi ngược thị trường, tăng 3,47%, trong khi VN-Index trên sàn HOSE giảm 1,93%.

Cũng trong tháng 5, hai quỹ cổ phiếu VF4 và VFA của VFM đều có NAV suy giảm, trong đó VF4 giảm 5,73%. Tính chung từ đầu năm tới nay, cả hai quỹ này đều thua VN-Index: VFA chỉ tăng 2% NAV so với đầu năm, còn VF4 sau khi tăng mạnh NAV trong 3 tháng đầu năm hiện đã giảm về chỉ còn tăng 9,37%, trong khi VN-Index tăng 11,38%.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục