Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên

(Kinhdoanhnet) – Nhiều nghi vấn và bất thường giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên lẩn khuất đằng sau báo cáo tài chính những năm gần đây của CTCP Hữu Liên Á Châu.

CTCP Hữu Liên Á Châu – một trong những biểu tượng ngành thép một thời – đang ngập trong thua lỗ, nợ vay, nợ xấu cùng tình cảnh vốn chủ sở hữu âm hơn 800 tỷ đồng. Những con số trong báo cáo tài chính của Hữu Liên Á Châu 6 tháng đầu niên độ 2016 cho thấy tình trạng đang tiếp tục bị đát. Nhưng đằng sau báo cáo tài chính ấy và cả báo cáo tài chính những năm gần đây của CTCP Hữu Liên Á Châu lại lẩn khuất nhiều nghi vấn khiến cổ đông của công ty này không khỏi đắn đo.

Bán hàng dưới giá vốn

Thường thì chẳng doanh nghiệp nào muốn bán hàng dưới giá vốn bởi điều đó chẳng khác nào “lấy dao tự cứa tay mình”. Nhưng Hữu Liên Á Châu đang làm điều đó.

Suốt từ năm 2014 đến hết 6 tháng niên độ 2015, Hữu Liên Á Châu đã bán hàng dưới giá vốn. Cụ thể, năm 2014, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt mức 1.876 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại lên tới 2.172 tỷ đồng. Năm 2015, tình trạng tương tự xảy ra khi doanh thu thuần của Hữu Liên Á Châu ở mức 248 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán lại là 268 tỷ đồng. BCTC soát xét từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 cũng thấy điều tương tự khi công ty này ghi nhận mức doanh thu thuần 34,9 tỷ đồng nhưng giá vốn lại là 42,9 tỷ đồng.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 1

Chi tiết doanh thu và giá vốn của Hữu Liên Á Châu niên độ 2014. Nguồn: BCTC kiểm toán niên độ 2014 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 2

Chi tiết doanh thu và giá vốn của Hữu Liên Á Châu niên độ 2015. Nguồn: BCTC kiểm toán niên độ 2015 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 3

Chi tiết doanh thu và giá vốn của Hữu Liên Á Châu 6 tháng đầu niên độ 2016. Nguồn: Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Vậy động cơ nào khiến lãnh đạo Hữu Liên Á Châu quyết định bán hàng dưới giá vốn?

Muốn duy trì hoạt động liên tục hay muốn duy trì quan hệ với đối tác đều là những động cơ khó lòng xác thực được, kể cả khi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo công ty. Nhưng khá rõ ràng là, Hữu Liên Á Châu muốn xả hàng tồn kho.

Thời điểm Hữu Liên Á Châu bắt đầu bán hàng dưới giá vốn năm 2014 cũng là thời điểm công ty này bắt đầu hành trình giảm rất mạnh hàng tồn kho qua các năm. Từ mức 854 tỷ đồng hàng tồn kho của niên độ 2013, kết thúc niên độ 2014, con số này chỉ còn 176 tỷ đồng. Hàng tồn kho tiếp tục giảm rất mạnh trong niên độ 2015, đạt mức 13,3 tỷ đồng. Tuy nhiên kết thúc 6 tháng đầu niên độ năm 2016, hàng tồn kho của Hữu Liên Á Châu lại tăng nhẹ lên mức 15 tỷ đồng.

Nhưng xả hàng tồn kho liệu có phải là nguyên nhân duy nhất? Khi đi sâu vào các giao dịch mua bán của Hữu Liên Á Châu, một cái tên khá quen thuộc là Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên xuất hiện.

Những nghi vấn đằng sau mối quan hệ với Thép Hữu Liên

Công ty TNHH Thép Hữu Liên tiền thân là công ty con của CTCP Hữu Liên Á Châu, nhưng từ năm 2013, Hữu Liên Á Châu đã bán toàn bộ cổ phần của công ty này tại Thép Hữu Liên.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 4

Hữu Liên Á Châu đã bán 100% cổ phần Thép Hữu Liên cho ông Trần Xảo Cơ – Chủ tịch HĐQT CTCP Hữu Liên Á Châu. Nguồn: BCTC kiểm toán niên độ 2014 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Niên độ tài chính 2014 (01/10/2013 – 30/09/2014), CTCP Hữu Liên Á Châu đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp vào Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên đến ông Trần Xảo Cơ – Chủ tịch HĐQT CTCP Hữu Liên Á Châu theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 04/11/2013 với giá chuyển nhượng là 100 tỷ đồng.

Như vậy, tại thời điểm kết thúc niên độ 2014, 2015 và 6 tháng đầu niên độ 2016, Thép Hữu Liên không còn là công ty con của Hữu Liên Á Châu. Nhưng vẫn còn 1 điểm chung giữa 2 công ty này, đó là chủ sở hữu – ông Trần Xảo Cơ.

Tại khoản mục Nghiệp vụ các bên liên quan trong BCTC kiểm toán 2014, 2015 và Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016, những dấu hiệu khá bất thường đã xuất hiện. Đó là Hữu Liên Á Châu bán rất nhiều hàng hóa cho Thép Hữu Liên, và như đã trình bày ở trên, Hữu Liên Á Châu bán hàng dưới giá vốn trong suốt niên độ 2014, 2015 và 6 tháng đầu niên độ 2016.

Niên độ 2014, CTCP Hữu Liên Á Châu đã bán tổng cộng 259 tỷ đồng hàng hóa, thành phẩm cho Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên. Giao dịch này chiếm 13,8% tổng doanh thu của Hữu Liên Á Châu trong niên độ 2014.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 5

Chi tiết giao dịch giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên trong niên độ 2014. Nguồn: BCTC kiểm toán niên độ 2014 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Đến niên độ 2015, Hữu Liên Á Châu tiếp tục bán tổng cộng 52,4 tỷ đồng hàng hóa, thành phẩm cho Thép Hữu Liên. Giao dịch này chiếm 21,1% tổng doanh thu của Hữu Liên Á Châu trong niên độ 2015.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 6

Chi tiết giao dịch giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên trong niên độ 2015. Nguồn: BCTC kiểm toán niên độ 2015 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

6 tháng đầu niên độ 2016, Hữu Liên Á Châu tiếp tục bán tổng cộng 28,4 tỷ đồng hàng hóa, thành phẩm cho Thép Hữu Liên. Giao dịch này chiếm 81,3% tổng doanh thu 6 tháng đầu niên độ 2016 của Hữu Liên Á Châu.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 7

Chi tiết giao dịch giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên 6 tháng đầu niên độ 2016. Nguồn: Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Nếu Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên còn là công ty con của CTCP Hữu Liên Á Châu thì giao dịch mua bán hàng hóa trên không có gì bất thường do 2 công ty này cùng chung 100% lợi ích. Nhưng tại thời điểm cuối niên độ 2014, 2015 và 6 tháng đầu niên độ 2016, Thép Hữu Liên không còn bất cứ quan hệ gì với Hữu Liên Á Châu, ngoại trừ việc 2 công ty này cùng chung chủ sở hữu là ông Trần Xảo Cơ. Và việc CTCP Hữu Liên Á Châu bán hàng dưới giá vốn cho Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên trong niên độ 2014, 2015 và 6 tháng đầu niên độ 2016, rõ ràng có lợi cho Thép Hữu Liên và thiệt hại cho Hữu Liên Á Châu.

Lưu ý rằng, tại Hữu Liên Á Châu, tỷ lệ sở hữu của ông Trần Xảo Cơ là dưới 30%, trong khi tại Thép Hữu Liên, tỷ lệ sở hữu của ông Trần Xảo Cơ là 100%. Và cũng nên nhớ rằng, Hữu Liên Á Châu đang ở tình cảnh bi đát, hy vọng cứu vãn được tình hình hiện tại là rất khó khăn, nếu không muốn nói là mong manh.

Điều bất thường tiếp theo cũng chính nằm trong giao dịch giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên. Ngoài việc Hữu Liên Á Châu bán hàng dưới giá vốn cho Thép Hữu Liên, công ty này còn mua vào rất nhiều hàng hóa, nguyên liệu từ Thép Hữu Liên. Thậm chí niên độ 2014 và niên độ 2015, tổng trị giá hàng hóa, nguyên liệu mà Hữu Liên Á Châu mua của Thép Hữu Liên còn lớn hơn cả tổng trị giá hàng hóa, thành phẩm mà Hữu Liên Á Châu bán cho Thép Hữu Liên. Như vậy, Thép Hữu Liên tiếp tục hưởng lợi từ giao dịch với Hữu Liên Á Châu.

Những bất thường khác

Nhưng giao dịch mua đi bán lại mang tính có lợi cho Thép Hữu Liên và thiệt hại cho Hữu Liên Á Châu chưa phải là nghi vấn duy nhất trong mối quan hệ giữa 2 doanh nghiệp có cùng chung chủ sở hữu này. Một vấn đề khác nằm ở nợ xấu của Hữu Liên Á Châu, và một lần nữa cái tên Thép Hữu Liên lại xuất hiện.

Theo báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016, Thép Hữu Liên đang nợ Hữu Liên Á Châu tổng cộng 113 tỷ đồng, trong đó 9,5 tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán từ 6 tháng đến 1 năm và 72,1 tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán từ 1 đến 2 năm.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 8

Chi tiết các khoản nợ xấu của Thép Hữu Liên tại Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Không thu được tiền nợ hàng chục tỷ đồng của Thép Hữu Liên đã là điều bất thường trong tình cảnh Hữu Liên Á Châu đang rất cần tiền. Nhưng lại có một điều bất thường khác nằm ở việc Hữu Liên Á Châu trả trước và tạm ứng hàng chục tỷ đồng cho 2 lãnh đạo cao nhất của công ty này.

Theo Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016, Hữu Liên Á Châu đã trả trước cho ông Trần Xảo Cơ – Chủ tịch HĐQT – số tiền 12,9 tỷ đồng và trả trước cho ông Trần Tuấn Nghiệp – Tổng Giám đốc – số tiền 14,1 tỷ đồng đều liên quan đến việc nhận chuyển nhượng các Quyền sử dụng đất tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 9

Chi tiết các khoản trả trước cho lãnh đạo Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Thêm vào đó, Hữu Liên Á Châu cũng tạm ứng cho cá nhân ông Trần Tuấn Nghiệp số tiền 12,1 tỷ đồng.

 

Những nghi vấn đằng sau mối liên hệ giữa Hữu Liên Á Châu và Thép Hữu Liên - Ảnh 10

Chi tiết các khoản tạm ứng cho cá nhân ông Trần Tuấn Nghiệp – Tổng Giám đốc CTCP Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét 6 tháng đầu niên độ 2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Trong bối cảnh công ty đang rất khó khăn, việc trả trước cho cá nhân 2 lãnh đạo là ông Trần Xảo Cơ và ông Trần Tuấn Nghiệp hàng chục tỷ đồng, nhất là việc tạm ứng 12,1 tỷ đồng cho cá nhân ông Trần Tuấn Nghiệp là điều hết sức bất thường.

Quá nhiều nghi vấn, quá nhiều điều bất thường đằng sau mối quan hệ giữa CTCP Hữu Liên Á Châu và Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên – vốn là 2 công ty cùng 1 chủ sở hữu, và cũng không ít bất thường đằng sau khoản trả trước và tạm ứng hàng chục tỷ đồng cho 2 lãnh đạo cao nhất của CTCP Hữu Liên Á Châu trong bối cảnh công ty đang cực kỳ khó khăn.

Cổ đông của CTCP Hữu Liên Á Châu rất cần sự giải thích rõ ràng từ phía lãnh đạo công ty về những nghi vấn này!

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục