Nên cảnh giác với cổ tức khủng?

(Kinhdoanhnet) - Tỷ lệ chi trả cổ tức của nhiều doanh nghiệp giao động từ 30 - 60% cả bằng cổ phiếu và tiền mặt khiến nhiều NĐT hồ hởi, nhưng cũng có nhiều NĐT băn khoăn, liệu việc này có ẩn chứa rủi ro?

Nhiều doanh nghiệp đang duy trì trả lợi tức một cách khá đều đặn cho cổ đông, cứ đến ngày đến tháng là chia cổ tức, mang lại sự yên tâm và sự bền vững cho TTCK.

Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức đợt 2 năm 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% cho cổ đông sau khi đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 10%. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) còn trả cổ tức lên tới 118,75% bằng tiền mặt (tương đương 11.875 đồng/cp) cho 2 năm vừa qua. PVGAS (MCK: GAS) cũng chia trả cổ tức năm 2013 là 42%/mệnh giá, gấp đối kế hoạch.

Được biết đến là DN có lịch sử trả cổ tức cao, từ 30 - 70%, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) tiếp tục trả cổ tức năm 2013 là 60% bằng tiền, trong khi kế hoạch trước đó là 30%. CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) mặc dù đã giảm tỷ lệ chia cổ tức 15 điểm phần trăm so với năm 2012, nhưng vẫn có được mức cổ tức khá cao là 45% bằng tiền mặt.

CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) trả cổ tức bằng tiền năm 2013 lên đến 70%, tương đương 88,2 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 95 tỷ đồng. Nếu so với năm 2012, thì mức 70% vẫn còn thua xa con số 120% đã chia cho cổ đông trong năm này. Bước sang năm 2014, HGM đặt kế hoạch 151 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 56 tỷ đồng, giảm 41% so với thực hiện 2013. Tuy nhiên, về kế hoạch cổ tức, HGM vẫn duy trì ở mức tối thiểu 50%.

Rất nhiều doanh nghiệp trả cổ tức ở mức cao và đều đặn trong nhiều năm gần đây như Vinamilk (VNM), Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), Gilimex (GIL), Đạm Phú Mỹ (DPM), Khoáng sản Hà Giang (HGM), Phát triển giáo dục Phương Nam (SED), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), REE, CNG, Cảng Đoạn Xá (DXP), Công viên nước Đầm Sen (DSN),...

Nên cảnh giác với cổ tức khủng? - Ảnh 1

Hầu hết các doanh nghiệp trả cổ tức cao và đều đặn là các đơn vị có hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận tốt và có trách nhiệm chia sẻ quyền lợi cho cổ đông được. Rất nhiều cổ đông nắm cổ phiếu của các doanh nghiệp này trong một thời gian dài không bán, chỉ để "ăn" cổ tức.

Tuy nhiên, cổ tức cao cũng có những “mặt hại” mà cổ đông cần chú ý. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà DN vẫn tạo ra lợi nhuận tốt, trả cổ tức cao thì được xem là tốt, nhưng nếu một DN trả cổ tức bằng tiền cao bất thường trong một năm để “dụ” cổ đông mua cổ phiếu mới sắp phát hành với giá cao thì nhà đầu tư cần cẩn trọng. Bên cạnh đó, khi công ty chia cổ tức cao, điều đó có thể đồng nghĩa công ty không cần sử dụng lợi nhuận, mà sử dụng vốn vay hoặc chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất và cũng có thể thị phần đã bão hòa.

Đầu tư dài hạn, ăn cổ tức là một trong những yếu tố tạo ra sự bền vững cho TTCK. Tuy nhiên, không có nghĩa là các doanh nghiệp không chia cổ tức cho cổ đông trong một thời gian dài sẽ không đảm bảo tính bền vững cho thị trường. Trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp ỉm cổ tức là do thua lỗ hoặc lãi thấp, mà có nhiều doanh nghiệp lãi khủng, phát triển rất mạnh.

Lý do mà các doanh nghiệp thuộc dạng này không chia cổ tức cho cổ đông là bởi họ đang theo đuổi những chiến lược dài hơi, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, theo đuổi cùng lúc các dự án lớn. Xét về dài hạn, chưa biết doanh nghiệp không trả cổ tức hay doanh nghiệp trả cổ tức cao, ai sẽ hơn ai.

Tuy nhiên, cảm nhận chung là cổ đông không muốn tình trạng không cổ tức kéo dài triền miên bởi NĐT rót tiền vào cổ phiếu đều muốn kiếm lợi nhuận. Khi tình trạng TTCK trầm lắng kéo dài và cổ tức cũng mãi vắng bóng không thể khiến họ an lòng nhất là khi thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro và biến động.

HAG gần đây đã chia những đồng tiền cổ tức đầu tiên và bầu Đức cũng có kế hoạch nuôi bò sữa để lấy ngắn hạn nuôi dài, thu về những đồng tiền lời chia cho cổ đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các ông chủ đều có lòng 'trắc ẩn' với các cổ đông.

Những căng thẳng trong nhiều đại hội cổ đông 2014 vừa qua về vấn đề cổ tức, về vấn đề lương thưởng của lãnh đạo, tụt giảm lợi nhuận, các kế hoạch "in tiền giấy" dồn dập của doanh nghiệp... cho thấy sự mất cân đối về lợi ích giữa các bên cũng như sự lép vế của nhóm các cổ đông nhỏ lẻ. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng sự phát triển ổn định của thị trường.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục