“Méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long

(Kinhdoanhnet) – Người mua nhà, cơ quan thuế và chủ nợ đang “méo mặt” vì CTCP Sông Đà – Thăng Long.

Người mua nhà “méo mặt”

“Niềm kiêu hãnh” Usilk City của Sông Đà – Thăng Long từ lâu đã trở thành nỗi thất vọng đối với nhiều người mua nhà. Khi khách hàng yêu cầu Sông Đà – Thăng Long bàn giao nhà, nhiều lần lãnh đạo Sông Đà – Thăng Long lại bàn giao… lời xin lỗi vì nhiều hạng mục chưa thể hoàn thành.

Chuyện khách hàng khiếu nại CTCP Sông Đà – Thăng Long về dự án Usilk City nhiều năm nay đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều người trong số họ phải ngậm đăng nuốt cay để chuyển về căn nhà còn dang dở và tự mình hoàn thiện dù đã đóng 100% tiền nhà. Nhiều người kém may mắn hơn không chuyển về được vì công trình còn quá dang dở và họ cũng chẳng biết phải làm sao.

 

“Méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long - Ảnh 1

Dự án Usilk City khiến không biết bao nhiêu người mua nhà điêu đứng. Ảnh: VietnamFinance

Thậm chí còn có một chiến dịch mang tên “Hành trình đòi nhà” của Cộng đồng khách hàng mua Usilk City 104 – 108 được mở ra nhằm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Nhưng xem ra, hành trình này sẽ còn rất, rất nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch thì trong năm 2016, Sông Đà – Thăng Long sẽ đầu tư tổng cộng 507 tỷ đồng vào dự án Khu Văn Khê mở rộng – nơi tọa lạc của dự án Usilk City. Vì các ngân hàng không tiếp tục giải ngân cho dự án, khách hàng cũng mất niềm tin không đóng thêm tiền nên nguồn tiền duy nhất để thực hiện kế hoạch này đến từ việc Sông Đà – Thăng Long sẽ chuyển nhượng tòa 104 khu CT1, tòa 106, 107 khu CT3 và tòa 108 khu CT4 cho đơn vị khác tiếp tục thực hiện đầu tư, tòa 109 sẽ được hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư xây dựng HCM Việt Nam. Liệu đây có tiếp tục là “lời hứa hão”?

 

“Méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long - Ảnh 2

Chi tiết khoản mục người mua trả tiền trước cho Sông Đà – Thăng Long tính đến hết năm 2015. Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2015 của CTCP Sông Đà – Thăng Long

Tính đến hết ngày 31/12/2015, người mua nhà đã trả tiền trước cho Sông Đà – Thăng Long tổng cộng 1.096 tỷ đồng, trong đó có 863 tỷ đồng là người mua trả tiền trước dài hạn cho Dự án Văn Khê mở rộng.

Cơ quan thuế “méo mặt”

Giữa năm 2015, Bộ Tài chính đã công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Theo đó, CTCP Sông Đà – Thăng Long giữ vị trí quán quân trên địa bàn Hà Nội với 375 tỷ đồng nợ thuế tính đến hết ngày 30/07/2015.

Theo giải thích của ông Nguyễn Trí Dũng – Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà - Thăng Long thì Sông Đà – Thăng Long “chỉ” nợ thuế khoảng 177 tỷ đồng, còn lại 198 tỷ đồng là tiền phạt chậm nộp.

 

“Méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long - Ảnh 3

Chi tiết nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Sông Đà – Thăng Long tính đến hết năm 2015. Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2015 của CTCP Sông Đà – Thăng Long

Tính đến hết năm 2015, Sông Đà – Thăng Long đang nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tổng cộng 394 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2015. Mặc dù số tiền thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Sông Đà – Thăng Long trong năm 2015 phải là 50,2 tỷ đồng nhưng Sông Đà – Thăng Long mới chỉ thực nộp 5,2 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 10%.

Chủ nợ “méo mặt”

Không những người mua nhà, cơ quan thuế “méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long, chủ nợ của công ty này cũng đang “méo mặt”.

Tính đến hết năm 2015, CTCP Sông Đà – Thăng Long đang nợ tới 2.010 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 386 tỷ đồng so với con số 1.624 tỷ đồng hồi đầu năm.

Nhưng đó mới chỉ là lãi vay. Còn nợ gốc thì sao?

CTCP Sông Đà – Thăng Long hiện đang vay và nợ thuê tài chính tổng cộng 3.041 tỷ đồng, trong đó 2.609 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 432 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

 

“Méo mặt” vì Sông Đà – Thăng Long - Ảnh 4

Chi tiết các khoản vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn của Sông Đà – Thăng Long. Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2015 của CTCP Sông Đà – Thăng Long

Nếu không kể các khoản trái phiếu đến kỳ hạn trả 1.287 tỷ đồng hiện chưa biết chủ sở hữu thì Công ty Tài chính CP Sông Đà đang là chủ nợ lớn nhất của Sông Đà – Thăng Long với 449 tỷ đồng nợ vay. Toàn bộ số nợ này đã đến hạn trả nhưng Sông Đà – Thăng Long chưa trả được.

Chủ nợ lớn thứ 2 của Sông Đà – Thăng Long là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với 291 tỷ đồng nợ vay dài hạn đã đến hạn trả.

Đứng thứ 3 là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 214 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn trả. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP BIDV với 119 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn trả.

Nhiều ngân hàng khác cũng nằm trong danh sách chủ nợ của Sông Đà – Thăng Long như: HDBank, Techcombank, Agribank, VPBank.

Một điều rất đáng chú ý là, CTCP Sông Đà – Thăng Long đã thế chấp nhiều tòa nhà tại Usilk City cho các chủ nợ để đảm bảo cho các khoản vay. Chẳng hạn tòa nhà 104 – CT1 thuộc dự án Usilk City được Sông Đà – Thăng Long thế chấp cho ABBank. Hay như tài sản hình thành trong tương lai tại cụm CT1 – 101, 102, 103 dự án Usilk City đã được thế chấp cho HDBank, đồng thời tài sản này cũng được thế chấp cho BIDV và Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực.

Những khoản vay này hầu như đã hết hạn nhưng CTCP Sông Đà – Thăng Long vẫn chưa trả được tiền vay. Như vậy, không loại trừ khả năng các chủ nợ của Sông Đà – Thăng Long sẽ “siết nợ” các tòa nhà này giống như vụ “siết nợ” của BIDV đối với chung cư The Harmona. Tất nhiên không ai mong muốn điều này, bản thân các chủ nợ cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ phương án này và cơ quan chức năng cũng chưa chắc để điều này xảy ra, nhưng đó cũng là một rủi ro đáng kể mà người mua căn hộ ở các tòa nhà này phải lưu ý.

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục