Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu

(Kinhdoanhnet) - Làm ăn liên tục thua lỗ, lãi vay và nợ gốc ngân hàng đè nặng, phải trả nhà cung cấp hàng trăm tỷ đồng, cùng với khoản nợ xấu khổng lồ, Hữu Liên Á Châu và các chủ nợ sẽ phải sống sao?

Từ việc kiểm toán lưu ý về tính hoạt động liên tục

CTCP Hữu Liên Á Châu là cái tên khá quen thuộc trên thị trường thép Việt Nam. Với 38 năm hình thành và phát triển, chẳng ai ngờ rằng doanh nghiệp này lại rơi vào tình cảnh bi đát như ngày hôm nay.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 1

Hữu Liên Á Châu là cái tên quen thuộc trên thị trường thép Việt Nam suốt nhiều chục năm qua. Ảnh: Hữu Liên Á Châu

Năm 2013 là năm mở màn cho sự tụt dốc mà ngay cả lãnh đạo Hữu Liên Á Châu có lẽ cũng không thể tưởng tượng được. Thất bại trong huy động vốn rồi phải vay ngân hàng với lãi suất tới 20% khiến doanh nghiệp này lần đầu tiên thua lỗ, thậm chí là lỗ rất nặng trong năm 2013 với mức lỗ lên tới 235 tỷ đồng. Năm 2014, công ty này tiếp tục lỗ thêm 475 tỷ đồng và con số lỗ của năm 2015 là 387 tỷ đồng.

Theo báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016, Hữu Liên Á Châu tiếp tục lỗ tới 254 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã ở mức âm (-) 809 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/03/2016.

Thậm chí, công ty kiểm toán DFK Việt Nam – đơn vị kiểm toán BCTC soát xét từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 cho Hữu Liên Á Châu, đã lưu ý người đọc báo cáo về tính hoạt động liên tục của Công ty do cho đến thời điểm 31/03/2016, nguồn vốn chủ sở hữu của công ty bị âm 809 tỷ đồng và nợ phải trả đã vượt quá tổng tài sản với cùng số tiền là 809 tỷ đồng.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 2

Kiểm toán DFK Việt Nam lưu ý về tính hoạt động liên tục của Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Chính vì tình hình tài chính bết bát như vậy nên vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định đưa cổ phiếu HLA của CTCP Hữu Liên Á Châu vào danh sách hạn chế giao dịch trên sàn UPCOM vì lý do vốn chủ sở hữu không dương.

Đến sự bất lực với nợ vay và nợ xấu

Hữu Liên Á Châu vẫn hoạt động, nghĩa là doanh nghiệp này vẫn hy vọng rằng mình có thể tồn tại. Và không chỉ mình doanh nghiệp này hy vọng mà các ngân hàng cho Hữu Liên Á Châu vay tiền cũng ngày ngày hy vọng, nhà cung cấp chưa được Hữu Liên Á Châu thanh toán tiền cũng hy vọng. Con nợ còn tồn tại, nghĩa là chủ nợ còn hy vọng?!

Tính đến hết ngày 31/03/2016, Nợ phải trả của Hữu Liên Á Châu là 1.345 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là Nợ ngắn hạn với tổng cộng 1.342 tỷ đồng.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 3

Nợ của Hữu Liên Á Châu đang ngày càng lớn. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Có 3 khoản mục chính hình thành lên khoản nợ vay nghìn tỷ của Hữu Liên Á Châu, bao gồm: 268 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, 717 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 340 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn.

Xét một cách cụ thể, 268 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn của Hữu Liên Á Châu tính đến ngày 31/03/2016 chủ yếu là Chi phí lãi vay còn phải trả (250 tỷ đồng) và Lãi chậm thanh toán (18 tỷ đồng). Cùng kỳ năm ngoái, con số này “chỉ” là 219 tỷ đồng. Như vậy, tiền lãi là gánh nặng lớn của Hữu Liên Á Châu trong nhiều năm trở lại đây, và đang ngày càng trở lên nặng nề hơn.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 4

Chi tiết các khoản chi phí phải trả ngắn hạn của Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Nhưng lãi vay chưa phải là vấn đề lớn nhất. Hiện Hữu Liên Á Châu đang nợ ngắn hạn tổng cộng 5 ngân hàng, trong đó có 2 ngân hàng nước ngoài và 3 ngân hàng Việt Nam. 3 ngân hàng Việt Nam này cũng là 3 ngân hàng cho Hữu Liên Á Châu vay nhiều nhất.

Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng TMCP Nam Việt, đang cho Hữu Liên Á Châu vay tổng cộng 192 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh phát sinh/hình thành trước, 02 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại Thành phố Hồ Chí Minh và 01 quyền sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của bên thứ 3. Chính trong BCTC soát xét bán niên niên độ 2015 – 2016 của Hữu Liên Á Châu đã thừa nhận, khoản nợ này đã quá hạn.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 5

Danh sách các ngân hàng đang cho Hữu Liên Á Châu vay tiền. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Ngân hàng Việt Nam thứ 2 trong danh sách là Sacombank với dự nợ cho vay đối với Hữu Liên Á Châu là 254 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/03/2016. Khoản nợ này được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, 05 quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình trên đất tại TP.HCM và 03 bất động sản thuộc sở hữu của bên thứ 3. Khoản nợ này cũng đã quá hạn.

BIDV là ngân hàng thứ 3 cho Hữu Liên Á Châu vay với mức vay 181 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản cố định, hàng tồn kho, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại TP.HCM thuộc sở hữu của bên thứ ba, toàn bộ số dư tiền gửi ngân hàng và các khoản phải thu. Các khoản nợ này được gia hạn 84 tháng kể từ ngày 01/10/2014.

Không chỉ nợ các ngân hàng, Hữu Liên Á Châu cũng đang nợ nhiều nhà cung cấp hàng trăm tỷ đồng, chẳng hạn như công ty này nợ Daewoo International Corporation 143 tỷ đồng, đồng thời cũng đang nợ Hitech Steel Enterise 120 tỷ đồng.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 6

Danh sách các đối tác mà Hữu Liên Á Châu đang nợ. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Càng kinh doanh càng lỗ, Hữu Liên Á Châu chỉ có thể trông chờ vào việc đẩy mạnh thu hồi các khoản phải thu để trả nợ và tiếp tục kinh doanh. Nhưng ngay cả hy vọng đó cũng đang rất mong manh.

Tính đến hết ngày 31/03/2016, Hữu Liên Á Châu đang có 590 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, 0,3 tỷ đồng khoản trả trước cho người bán và 13,9 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác; tổng cộng là khoảng 604 tỷ đồng. Trong đó, có tới 564 tỷ đồng là nợ xấu, chiếm tỷ lệ 93%.

 

Hữu Liên Á Châu: Khốn đốn nợ vay, loay hoay nợ xấu - Ảnh 7

Chi tiết các khoản nợ xấu của Hữu Liên Á Châu. Nguồn: Báo cáo soát xét tài chính từ ngày 01/10/2015 đến ngày 31/03/2016 của CTCP Hữu Liên Á Châu.

Hữu Liên Á Châu cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tổng cộng 352 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/03/2016.

Làm ăn liên tục thua lỗ, lãi vay và nợ gốc ngân hàng đè nặng, phải trả nhà cung cấp hàng trăm tỷ đồng, cùng với khoản nợ xấu khổng lồ, không hiểu Hữu Liên Á Châu sẽ “sống” ra sao?! Và liệu hy vọng “nuôi con nợ” của các chủ nợ có được đền đáp bằng việc công ty này sẽ trả nợ và trả hết nợ hay không?

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục