Ai đã khiến Sông Đà – Thăng Long ra nông nỗi này?

(Kinhdoanhnet) – CTCP Sông Đà – Thăng Long bị sa vào “vũng lầy” bởi những quyết định khó tin.

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã đưa cổ phiếu STL của CTCP Sông Đà – Thăng Long vào diện bị hạn chế giao dịch. Lý do là tại thời điểm kết thúc năm 2015, vốn chủ sở hữu của công ty này đã âm tới hơn 2.200 tỷ đồng.

Vậy những ai đã khiến Sông Đà – Thăng Long lâm vào tình cảnh bi đát này?

Ban lãnh đạo

CTCP Sông Đà – Thăng Long thua lỗ suốt từ năm 2011 đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm 2.200 tỷ đồng, rõ ràng, trách nhiệm lớn nhất cho sự “sa lầy” của Sông Đà – Thăng Long thuộc về Ban lãnh đạo của công ty này. Và tất nhiên, “vũng bùn” tạo ra sự “sa lầy” ấy cũng do Ban lãnh đạo Sông Đà – Thăng Long tạo ra, đó là dự án Usilk City.

Usilk City là dự án thuộc khu đô thị mới Văn Khê mở rộng tại Hà Đông, Hà Nội, được xây dựng trên khu đất 9,2 ha trải dài trên khoảng 1 km đường Lê Văn Lương kéo dài. Tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 10.000 tỷ đồng với 13 tòa nhà quy mô 2.700 căn hộ.

 

Ai đã khiến Sông Đà – Thăng Long ra nông nỗi này? - Ảnh 1

Ban lãnh đạo Sông Đà – Thăng Long đã sai lầm khi đầu tư dự án Usilk City. Ảnh: VietnamFinance

Nhưng đối lập với quy mô hoành tráng của Usilk City là tiềm lực tài chính “nhỏ nhoi” của Sông Đà – Thăng Long. Thời điểm dự án Usilk City tiến hành khởi công năm 2008, vốn chủ sở hữu của Sông Đà – Thăng Long chỉ có vỏn vẹn 146,6 tỷ đồng, bằng chưa đến 1,5% tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng của Usilk City.

Không hiểu Ban lãnh đạo Sông Đà – Thăng Long nghĩ gì khi quyết định thực hiện dự án với quy mô “viển vông” này? Để rồi giờ đây họ đẩy cổ đông vào thế chân tường, đẩy người mua nhà vào thế dở dang?

8 công ty liên kết, liên doanh

Góp phần khiến cho Sông Đà – Thăng Long tụt dốc đến mức không gượng dậy nổi không chỉ là quyết định sai lầm trong việc đầu tư "siêu dự án" Usilk City của ban lãnh đạo công ty này mà còn là 8 công ty liên kết, liên doanh của Sông Đà - Thăng Long. Đó là các công ty: CTCP Sông Đà Thăng Long F, CTCP Sông Đà Bình Phước, CTCP Địa ốc Đất Vàng Việt, CTCP Thép Thăng Long Kansai, CTCP Sông Đà Việt Hà, CTCP Nền móng Sông Đà Thăng Long, CTCP Đầu tư Phát triển Thăng Long và Công ty TNHH kinh doanh thương mại dịch vụ Thăng Long.

8 công ty này đã đem về tổng cộng 408 tỷ đồng nợ xấu cho Sông Đà – Thăng Long thời điểm kết thúc năm 2015. Toàn bộ 408 tỷ đồng này không còn khả năng thu hồi lại được một đồng nào. Đó là còn chưa kể đến khoản phải thu khách hàng 24,8 tỷ đồng đối với CTCP Sông Đà – Bình Phước, khoản phải thu khách hàng 934 triệu đồng đối với CTCP Sông Đà 1 và khoản phải thu khách hàng 888 triệu đồng đối với CTCP Địa ốc Đất Vàng Việt dù đã được xếp vào danh sách nợ xấu nhưng vẫn được Sông Đà – Thăng Long nhận định có thể thu hồi được toàn bộ?!

 

Ai đã khiến Sông Đà – Thăng Long ra nông nỗi này? - Ảnh 2

Chi tiết các khoản nợ xấu của tổ chức mà Sông Đà – Thăng Long phải gánh, trong đó đa số là không thu hồi được nữa. Nguồn: BCTC kiểm toán 2015 của CTCP Sông Đà – Thăng Long

Khoản nợ xấu lớn nhất trong số này là khoản Sông Đà – Thăng Long trả trước cho CTCP Địa ốc Đất Vàng Việt số tiền 122,3 tỷ đồng. Sông Đà – Thăng Long hiện đang sở hữu 24,47% cổ phần của công ty này.

Một khoản nợ xấu đáng chú ý khác là khoản Sông Đà – Thăng Long trả trước cho CTCP Thép Thăng Long Kansai số tiền 58 tỷ đồng. Năm 2012, Sông Đà – Thăng Long đã cho Thép Thăng Long Kansai vay số tiền là 143 tỷ đồng không lãi suất, thời gian đáo hạn là 2 năm, tức là năm 2014. Vậy mà kết thúc năm 2015, Thép Thăng Long Kansai vẫn nợ Sông Đà – Thăng Long số tiền 133 tỷ đồng. Sông Đà – Thăng Long đang sở hữu 49,72% cổ phần của Thép Thăng Long Kansai.

Và 18 cá nhân

Thật khó tin là Sông Đà – Thăng Long đã tạm ứng số tiền tổng cộng lên đến 389 tỷ đồng cho 18 cá nhân mà giờ đây số tiền này coi như mất trắng không đòi lại được.

 

Ai đã khiến Sông Đà – Thăng Long ra nông nỗi này? - Ảnh 3

Sông Đà – Thăng Long tạm ứng tổng cộng 389 tỷ đồng cho 18 cá nhân nhưng giờ không còn khả năng thu hồi. Nguồn: BCTC kiểm toán 2015 của CTCP Sông Đà Thăng Long

Trong số 18 cá nhân này, ông Hà Minh Tuấn được tạm ứng nhiều nhất với số tiền là 64,9 tỷ đồng. Tiếp đến là ông Nguyễn Mạnh Cường với 42,1 tỷ đồng và ông Phạm Trường Giang đang nợ 39,4 tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo Sông Đà – Thăng Long cũng xuất hiện trong danh sách này như ông Nguyễn Chí Uy – Thành viên HĐQT, ông Hứa Vĩnh Cường – Phó Tổng Giám đốc, Nguyễn Đức Ngọ - Thành viên Ban kiểm soát.

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục