'Vua cá tra' lỗ thêm 140 tỷ đồng sau kiểm toán

Chênh lệch giá vốn bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… sau kiểm toán khiến lỗ ròng của HVG nửa đầu năm tăng lên 172,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán vừa được Công ty cổ phần Hùng Vương (mã CK: HVG) công bố cho thấy, nhiều chỉ tiêu kinh doanh trong kỳ kế toán từ 1/10/2016 đến 31/3/2017 của doanh nghiệp này có sự chênh lệch đáng kể so với kết quả tự lập trước đó. 

Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8.761 tỷ đồng, tăng khoảng 25 tỷ so với báo cáo tự lập. Trong đó, quý II đóng góp 2.949 tỷ đồng, giảm hơn 46% so với năm trước do công ty chủ động giữ hàng để chờ những hợp đồng lớn dù giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá phi lê đều tăng mạnh. 

Giá vốn bán hàng sau kiểm toán tăng thêm 127 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 470 tỷ. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm 20 tỷ đồng, cộng với khoản chi phí khác cũng tăng gần gấp đôi so với kết quả tự tính. 

Kết thúc giai đoạn bán niên tài chính 2017, “vua cá tra” Hùng Vương ghi nhận lỗ ròng tăng thêm 140 tỷ đồng, đạt mức âm 172,7 tỷ đồng. 

Đây không phải lần đầu tiên kết quả kinh doanh của công ty thay đổi lớn sau kiểm toán. Trước đó, niên độ tài chính 2016 cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm từ 378 tỷ xuống còn hơn 9 tỷ đồng sau khi kiểm toán báo cáo tài chính năm, dẫn đến lợi nhuận cho cổ đông âm hơn 49 tỷ đồng.

'Vua cá tra' lỗ thêm 140 tỷ đồng sau kiểm toán - Ảnh 1
HVG tiếp tục tái diễn tình trạng lỗ tăng đột biến sau kiểm toán.

Năm nay, “vua cá tra” Hùng Vương tự tin đặt mục tiêu doanh thu chạm mốc 20.000 tỷ và lợi nhuận 400 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận trong năm tiếp theo lần lượt tăng thêm 25% và 75%.

Ban lãnh đạo công ty từng cho biết, để thực hiện điều này thì trước mắt sẽ ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như giảm chi phí tài chính, giảm 40% nợ vay ngắn hạn và giảm hàng tồn kho. Hiện sản lượng cá tra phi lê thành phẩm dự trữ của công ty lên đến 33.000 tấn, nếu được thanh lý trong năm nay với giá xuất khẩu hiện tại thì sẽ thu về khoản lợi nhuận trên 700 tỷ đồng. 

Căn cứ tình hình thực tế hiện nay thì kế hoạch này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh ngành thuỷ sản phục hồi chậm. 

Tính đến cuối quý II năm nay, tổng nợ phải trả là 12.357 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm trước, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ 93%. Một trong những nguyên nhân chính kéo công ty vào vòng xoáy nợ nần là việc thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập để hoàn thiện quy trình hoạt động chuỗi cung ứng khép kín, nhắm đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về lĩnh vực này. Công ty xác định chiến lược phát triển trọng tâm là M&A theo chiều dọc và chiều ngang để gia tăng quy mô lẫn giá trị.

Theo VnExpress

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục