VNSTEEL mua Nhà máy thép mạ của Lilama Hà Nội hơn 2 lần giá sổ sách

Theo cơ quan thanh tra, Nhà máy này đã được định giá cao hơn gấp đôi so với giá trị sổ sách. Đơn vị tư vấn giao dịch này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng có dấu hiệu lập khống hóa đơn khi không thực hiện đầy đủ các dịch vụ tư vấn nhưng vẫn xuất hóa đơn.

VNSTEEL mua Nhà máy thép mạ của Lilama Hà Nội hơn 2 lần giá sổ sách - Ảnh 1
Việc chuyển nhượng nhà máy ở mức giá hơn 2 lần giá trị sổ sách thực tế (ảnh minh họa) 

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Cục thuế Hà Nội.

Cơ quan thanh tra nhận thấy trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các cơ quan nói trên đã có nhiều cố gắng trong công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót trong giải quyết khiếu nại của người nộp thuế, nợ đọng thuế ngày càng tăng...

Qua thanh tra, cơ quan thuế phát hiện một số sai phạm ở các doanh nghiệp cụ thể chẳng hạn như sai phạm liên quan đến việc chuyển nhượng Nhà máy Thép mạ kẽm, mạ màu Lilama Hà Nội.

Nhà máy này do CTCP Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư và được khánh thành vào tháng 11/2005.

5 năm sau, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) mua lại Nhà máy này.

Khi đó, truyền thông đưa tin cho hay, CTCP Lilama Hà Nội và VNSTEEL vừa đạt được thoả thuận về mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị lên tới 30 triệu USD.

Đơn vị tư vấn thương vụ là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBS).

Theo đó, VNSTEEL sẽ thông qua một pháp nhân mới (CTCP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long) để sở hữu 85% cổ phần chi phối đối với Nhà máy Thép mạ kẽm, mạ màu của Lilama Hà Nội tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội).

Kiểm tra xác minh giao dịch này, Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc định giá có nhiều vi phạm. Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA) – đơn vị thẩm định giá nhà máy thực hiện thẩm định giá thiết bị nhập khẩu trên cơ sở báo giá qua email, không có chi tiết danh mục thiết bị đi kèm, không có thuyết minh về công nghệ.

Tài sản cố định là máy móc thiết bị thông thường sau một thời gian sử dụng giảm giá trị do hao mòn, lạc hậu về công nghệ... Tuy nhiên kết quả định giá xác định giá trị máy móc thiết bị cao hơn nhiều so với giá trị còn lại trên sổ sách.

Kết quả định giá là 516 tỷ đồng, tức là hơn gấp đôi giá trị sổ sách (chỉ còn 219 tỷ đồng).

Trên cơ sở báo cáo thẩm định giá này, Tổng công ty Thép VNSTEEL đã phê duyệt giá trị thực hiện mua lại nhà máy. Cơ quan thanh tra nêu: báo cáo thẩm định giá của đơn vị tư vấn thẩm định giá không có giá trị.

Một bên liên quan khác – VPBS, đơn vị tư vấn thương vụ, theo cơ quan thanh tra, đã không thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ quy định trong hợp đồng tư vấn nhưng vẫn nhận tiền thanh toán và xuất hóa đơn cho Công ty Lilama Hà Nội. Hành vi này có dấu hiệu lập khống hóa đơn, được quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP.

Lilama Hà Nội ký hợp đồng chuyển nhượng trên cơ sở kết quả thẩm định giá đã hết thời hạn hiệu lực, kê khai nộp thuế không đúng quy định pháp luật. Doanh nghiệp này cũng thanh toán hợp đồng tư vấn cho VPBS mà không có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh VPBS đã cung cấp đẩy đủ các dịch vụ trong hợp đồng.

Cơ quan thanh tra đề nghị Bộ Tài chính tổ chức thanh tra, kiểm tra các nội dung về thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chuyển nhượng Nhà máy này và các nội dung có dấu hiệu vi phạm đã nêu.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị chuyển nhượng nhà xưởng (không gắn với quyền thuê đất), bảo đảm phù hợp giá trị giao dịch tài sản thông thường trên thị trường.

Bùi Trang/DTCK

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục