PV: Năm 2015 đã trôi qua. Nhìn lại quãng đường phát triển, theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thông tin phải đối mặt trong những năm gần đây?
Ông Nguyễn Trung Chính: Theo tôi, các doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thông tin hiện đang phải đối mặt với 3 thách thức chính. Đầu tiên là vấn đề cạnh tranh. Những năm gần đây, ARPU (doanh thu trung bình trên một khách hàng - PV) cho các dịch vụ viễn thông truyền thống ngày càng giảm, các công ty viễn thông Nhà nước vẫn thống trị thị trường và hiện những công ty có tiềm lực tài chính rất mạnh này đang tiếp tục nhảy vào lĩnh vực IT. Điều này khiến cho đa số các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ ngày càng trở lên khó khăn trong việc mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Trung Chính - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC
Tiếp theo là vấn đề lao động. Nguồn nhân lực sẵn có hiện nay tuy có thể đạt trình độ kỹ thuật chuyên môn cao nhưng vẫn gặp hạn chế về vốn ngoại ngữ, đặc biệt khi các doanh nghiệp ICT đang muốn tấn công vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc Việt Nam gia nhập AEC và TPP đã khiến thị trường lao động rộng mở, do đó sẽ xuất hiện làn sóng người lao động nước ngoài tham gia thị trường lao động Việt Nam. Đây vừa là cơ hội để các doanh nghiệp CNTT có thể tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc giữ chân nhân tài vì đãi ngộ cũng như điều kiện làm việc tại nhiều công ty CNTT nước ngoài là rất hấp dẫn.
Một thách thức khác từ nội tại các doanh nghiệp CNTT đó là năng lực đổi mới, sáng tạo và tìm ra những hướng đi phù hợp. Đây không chỉ là vấn đề của một tổ chức mà còn là mục tiêu phấn đấu cho mỗi cá nhân người làm công nghệ, bởi đặc thù của ngành công nghệ là không ngừng đổi mới, sáng tạo vận động theo sự phát triển của nhân loại.
PV: Vậy Tập đoàn Công nghệ CMC đã làm những gì để giải quyết những thách thức này, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Chính: Với Tập đoàn Công nghệ CMC, chúng tôi liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Kết quả là nhiều lĩnh vực hoạt động đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt là lĩnh vực Tích hợp Hệ thống (SI) tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước, toàn lĩnh vực CNTT của CMC đạt doanh số 2000 tỷ và CMC hiện là công ty tin học đứng thứ 2 trên thị trường.
CMC Telecom ký kết hợp đồng đầu tư chiến lược với TIME dotCom
Năm vừa qua, Tập đoàn công nghệ CMC đã có thêm đối tác chiến lược Time dotCom (TDC) tham gia vào Công ty cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC (CMC Telecom). Tập đoàn viễn thông hàng đầu Malaysia này không chỉ giúp CMC tăng cường nguồn lực tài chính mà còn hỗ trợ và chia sẻ về kênh truyền dẫn quốc tế mà họ đã đầu tư hơn 200 triệu USD. TDC giúp CMC Telecom mở rộng mối quan hệ với các khách hàng nước ngoài, họ cũng hỗ trợ phương pháp xây dựng chiến lược và nâng cao năng lực quản trị.
Và đặc biệt, tại CMC, nhân tố con người luôn được coi trọng, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để những người trẻ phát huy sức sáng tạo của mình. Bằng chứng là Tập đoàn CMC đã dành toàn bộ tầng 19 của tòa nhà CMC để xây dựng Innovation Center – không gian sáng tạo - được thiết kế theo phong cách hiện đại để tạo môi trường kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, một nơi thư giãn để tái tạo năng lượng và cảm hứng làm việc, thúc đẩy sự phát triển của bản thân mỗi người cũng như CMC nói chung.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, mỗi người cần phải làm mới mình bằng cách tự thay đổi, bằng cách nghĩ khác đi, tự từ bỏ những thói quen cũ, lạc hậu và cần phải đốt cháy lên ngọn lửa khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới. Việc này cần ở mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
PV: Theo ông, đâu sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường CNTT trong năm 2016 và những năm tới?
Ông Nguyễn Trung Chính: Theo tôi, có 3 xu hướng công nghệ mới sẽ dẫn dắt thị trường CNTT trong năm 2016 và những năm tới là: mạng 4G/5G, Internet of Things (IoT) và SMAC.
Internet of Things là xu hướng công nghệ có thể mang lại 4 nghìn tỷ USD doanh thu vào năm 2020
Với sự bùng nổ các thiết bị thông minh có khả năng kết nối Internet không dây tốc độ cao như 4G và sắp tới sẽ là 5G, chúng ta sẽ bắt đầu vào kỷ nguyên Internet of Things (Mạng lưới vạn vật kết nối Internet – PV). Cùng với đó, trên nền tảng Social (Xã hội) – Mobility (Di động) – Analytics (Phân tích dữ liệu) và Cloud (Điện toán đám mây) hay còn gọi là SMAC, xu hướng các doanh nghiệp số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tăng lên, nhu cầu doanh nghiệp phát triển kinh doanh và marketing trên nền tảng mạng xã hội, trên các phương tiện di động sẽ nhiều hơn và thay thế dần các phương thức truyền thống.
Tại Việt Nam, việc áp dụng Internet of Things trong điều khiển giao thông thông qua việc lắp đặt camera thông minh và cảm biến phụ trợ, hay như việc triển khai Văn phòng điện tử nền tảng Cloud thay thế cho việc quản lý giấy tờ, công văn truyền thống… là những minh chứng cho thấy, ngành Công nghệ thông tin Việt Nam đang thay đổi và đang tạo ra những sự thay đổi đáng kể trong xã hội Việt Nam.
Xin cảm ơn ông !
Tùng Lâm