Nhiều “ông lớn” ngân hàng có thể bị loại khỏi "cuộc chơi" mang tên chứng khoán

Trong thời gian tới đây nếu các ngân hàng không tiến hành xử lý nợ xấu xuống dưới 3% thì rất nhiều các ông lớn trong ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” mang tên chứng khoán

Tại thời điểm cuối tháng 9/2014, CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS) có một khoản phải thu hợp đồng hợp tác với bên thứ ba lên đến xấp xỉ 1.827,5 tỷ đồng. Con số này đã tăng 12,75 lần so với thời điểm cuối năm ngoái. Theo thuyết minh, đây là khoản mà SHS đứng ra làm trung gian để ngân hàng cho nhà đầu tư vay theo hợp đồng hợp tác 3 bên.

Thuyết minh không nêu rõ ngân hàng trong hợp tác trên là ngân hàng nào, nhưng quan sát các giao dịch giữa SHS với các bên liên quan trong báo cáo tài chính thì có thể suy đoán đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB).

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, SHB và các bên liên quan trong hợp đồng nêu trên sẽ phải xử lý khoản hợp tác nêu trên nếu nợ xấu của SHB vẫn giữ ở mức hiện nay.

Cụ thể, theo Thông tư 36, chỉ có những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho khách hàng vay để kinh doanh chứng khoán (Khoản 1, Điều 14). Tuy nhiên, cách hiểu về tỷ lệ nợ xấu 3% này được tính như thế nào lại không được đề cập rõ trong Thông tư.

Chính sự không rõ ràng này gây ra thắc mắc với nhiều nhà đầu tư, đơn cử như trường hợp của SHB. Nợ xấu của SHB tại thời điểm cuối tháng 9/2014 theo báo cáo tài chính quý III của Ngân hàng là 2,4%. Tuy nhiên, nếu cộng cả khoản nợ của Vinashin thì tỷ lệ nợ xấu tại SHB, theo tính toán của người viết, là 3,69%.

Một số ngân hàng khác cũng có nguy cơ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu nợ xấu không cải thiện ở mức dưới 3% trong gần 100 ngày tới khi Thông tư 36 có hiệu lực, như Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Quốc Dân (NCB) và Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Hai ngân hàng khác là Đông Á (DongA Bank) và An Bình (ABBank) chỉ phân nợ theo 2 nhóm là trong hạn và quá hạn. Lưu ý, nợ quá hạn có nghĩa bao hàm rộng hơn nợ xấu vì nợ xấu gồm 3 nhóm từ nhóm 3 đến nhóm 5, trong khi nợ quá hạn bao gồm cả nhóm 2 (từ nhóm 2 đến nhóm 5). Với cách phân loại này, nợ quá hạn của DongA Bank là 13,17% và của ABBank là 16,04%.

Nhiều “ông lớn” ngân hàng có thể bị loại khỏi "cuộc chơi" mang tên chứng khoán - Ảnh 1

Ở đây phát sinh một vấn đề đó là, nếu phân nợ theo kiểu DongA Bank và ABBank thì áp dụng Thông tư 36 thế nào, vì Thông tư 36 không đề cập đến nợ quá hạn? Nếu các ngân hàng khác cũng phân nợ kiểu này thì làm sao biết các ngân hàng này có được cho vay kinh doanh chứng khoán hay không?

Các ngân hàng còn lại, một số thì có báo cáo tài chính quý III/2014 nhưng không có thuyết minh, số khác thì không thấy công bố báo cáo tài chính, nên không thể biết nợ xấu đang ở mức nào.

Một điểm đáng chú ý khác trong Thông tư 36 đó là, ngân hàng không được cho công ty con và công ty liên kết vay để các công ty này cho khách hàng vay lại đầu tư vào chứng khoán (Khoản 4, Điều 14).

Hiện nay, có nhiều cặp ngân hàng mẹ - CTCK con như Vietcombank-VCBS, Techcombank-TCBS, VPBank-VPBS, ACB-ACBS, DongA Bank-DAS, SHB-SHBS… Theo Thông tư 36 thì những cặp này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Lưu ý, Thông tư 36 chỉ hạn chế khi ngân hàng là mẹ của CTCK. Nếu ngân hàng và CTCK chỉ là những “người có liên quan” thì không vấn đề gì. Chẳng hạn, SHB không được cho SHBS vay để cho nhà đầu tư vay lại, nhưng SHB vẫn có thể cho SHS vay, mặc dù SHB đang sở hữu 4,9% tại SHS và ông Đỗ Quang Hiển đồng thời là Chủ tịch của cả SHB và SHS.

Những CTCK lớn như Sài Gòn (SSI) và TP. HCM (HSC) dường như được hưởng lợi từ quy định này do các CTCK khác lâu nay vốn được ngân hàng mẹ chống lưng sẽ bị mất lợi thế. Chắc chắn các CTCK không còn được hậu thuẫn của ngân hàng mẹ sẽ phải tính toán lại nguồn vốn để có thể duy trì sức cạnh tranh với các đối thủ khác.

Mặc dù Thông tư 36 dự kiến sẽ tạo ra nhiều thay đổi trên TTCK, nhưng các bên liên quan vẫn còn thời gian để xử lý, vì đến đầu tháng 2/2015 thông tư này mới bắt đầu có hiệu lực. Các ngân hàng có gần 100 ngày  để xử lý những vấn đề hiện nay, nếu tiếp tục muốn tham gia mảng tín dụng chứng khoán.

Ông Phạm Huyền Anh (Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước)

Điều kiện để tổ chức tín dụng được cấp tín dụng cho vay cổ phiếu bao gồm: thứ nhất, phải đảm bảo được an toàn, mà cụ thể ở đây là các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng nói chung và Thông tư 36 nói riêng, trong đó, phải thẩm định trước, trong và sau khi cho vay, sau khi giải ngân để kiểm soát dòng tiền; thứ hai, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng khi có tỷ lệ nợ xấu cao, tức là năng lực quản trị chưa đạt chuẩn. Hơn nữa, tổ chức tín dụng không được cho vay mua cổ phiếu mà lại được bảo đảm bằng chính cố phiếu đó. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng để khách hàng mua cổ phiếu của chính bản thân mình hoặc cổ phiếu đó đa thế chấp tại ngân hàng.

Những quy định đó là để hạn chế sở hữu chéo, lũng đoạn, thao túng lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng, tạo ra sự không lành mạnh trong dòng tiền chứ không nhằm siết hoạt động cho vay chứng khoán, bởi chứng khoán có rất nhiều thành phần: cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các quyền chọn… trong điều khoản chuyển tiếp, tất cả hợp đồng tín dụng được ký trước khi thông tư có hiệu lực vẫn tiếp tục được phép triển khai cho đến khi hết hợp đồng, theo nguyên tắc không hồi tố. Như vậy, mọi thỏa thuận cho vay chứng khoán, cổ phiếu trước đó không hề bị ảnh hưởng. Thông tư 36 không hề tác động xấu tới TTCK.

Tôi muốn nhấn mạnh một nội dung khác, đó là việc cả hệ thống đang tập trung, nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu với kết quả như đa đạt được 2 năm vừa rồi. đặc biệt, thủ tướng đa kiên quyết chỉ đạo, đến năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng phải giảm còn 3%. Đó cũng là lời hiệu triệu và cam kết của thống đốc NHNN và tất cả tổ chức tín dụng đều đang tích cực xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu cao hiện chủ yếu tồn tại ở một số ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng lớn, với năng lực tài chính lớn hơn, có tỷ lệ nợ xấu không cao lắm, nhưng cũng rất tích cực xử lý thông qua các biện pháp như: bán nợ cho VAMC; tự bán, xử lý phát mại tài sản; thu hồi và cơ cấu lại nợ… hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với UBCK thông qua việc chia sẻ thông tin về các nhà đầu tư cổ phiếu, nguồn gốc dòng tiền đầu tư, tỷ lệ nắm giữ, đặc biệt tại các ngâ hàng thương mại. từ đó, hạn chế câu chuyện thông qua những người có liên quan sở hữu, nắm giữ tỷ lệ cao, chi phối ngân hàng.

Với sự ra đời của Thông tư 36, cơ quan quản lý mong muốn làm minh bạch, trong sạch, kiểm soát được dòng vốn trên thị trường tài chính nói chung và ttck nói riêng.

Ông Trần Tiến Dũng (Nhà đầu tư chứng khoán)

Rất nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tác động của Thông tư 36 đến TTCK Việt Nam khi văn bản này quản lý dòng tiền tín dụng chảy vào cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3%.

Quan điểm của tôi là trong ngắn hạn, TTCK chắc chắn bị tác động, bởi soi vào những điểm mới tại Thông tư 36, nhiều ngân hàng sẽ phải tìm cách giảm lượng margin đang cấp cho TTCK hiện nay. Tuy nhiên, về dài hạn, Thông tư 36 sẽ có tác động tích cực đến TTCK và thị trường tiền tệ, đến những nhà đầu tư chân chính, vì thực tế, dòng tiền vay để đầu tư chứng khoán cần phải được kiểm soát trong khi hiện nay không được kiểm soát, UBCK cũng chỉ nắm được một phần số này.

Điểm băn khoăn của tôi với Thông tư 36 là khoản cho vay 5% này liệu có bao hàm cả khoản cho vay với HĐQT hoặc lãnh đạo ngân hàng hay không? Tôi tin rằng, dòng tiền vay của đối tượng này để đầu tư cổ phiếu là không nhỏ.

 

 

Theo Đầu tư Chứng khoán

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục