Vừa qua, CTCP Hùng Vương (HVG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2016 giai đoạn từ 01/10/2015 đến 31/03/2016.
Theo đó, doanh thu thuần 3 tháng đầu năm 2016 của Hùng Vương đạt mức 5.446 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận gộp 3 tháng đầu năm 2016 của Hùng Vương cũng đạt mức cao 298 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hùng Vương chỉ đạt vỏn vẹn 791 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều con số 55 tỷ đồng của một năm về trước.
Lợi nhuận của “Vua cá tra” Hùng Vương trong 3 tháng đầu năm 2016 khiến nhiều người phải xót xa. Ảnh: Internet
Nhờ có khoản lợi nhuận khác lên đến 12,1 tỷ đồng mới khiến cho lợi nhuận sau thuế 3 tháng đầu năm 2016 của Hùng đạt mức 12,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của Hùng Vương trong 3 tháng đầu năm 2016 chỉ ở mức 1,46 tỷ đồng, bằng chưa đầy 4% con số 36,98 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của lãnh đạo CTCP Hùng Vương thì sở dĩ lợi nhuận của Hùng Vương thấp như vậy là do chi phí lãi vay tăng mạnh do trong năm 2016, Hùng Vương triển khai đầu tư các dự án nhà máy mới, với nguồn tài trợ chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, chi phí lãi vay của Hùng Vương đã lên mức 136 tỷ đồng, gấp 2,56 lần con số cùng kỳ năm 2015.
Tính đến hết ngày 31/03/2016, Nợ phải trả của CTCP Hùng Vương đã gấp tới 4,55 lần Vốn chủ sở hữu. Phải nói rằng đây là một tỷ lệ rất cao vì các doanh nghiệp thường duy trì tỷ lệ Nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1,5 lần. Chỉ ở một số ngành đặc thù như bất động sản hay xây dựng, tỷ lệ này mới lớn hơn 1,5 lần nhưng cũng rất hiếm khi lên đến trên 4 lần như trường hợp của Hùng Vương - dù rằng doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp bất động sản hay xây dựng.
Kình Dương