“Soi” khoản lỗ hơn 460 tỷ của Sabeco bắt nguồn từ hoạt động đầu tư tài chính

(Kinhdoanhnet) – Đầu tư vào các ngân hàng, công ty chứng khoán, Vinashin và nhiều doanh nghiệp khác khiến Sabeco phải trích lập dự phòng tới hơn 460 tỷ đồng trong năm 2015.

Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Công Thương và cho đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành niêm yết.

Năm 2015, Tổng Công ty này đạt tới 27.144 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức 3.600 tỷ đồng.

 

“Soi” khoản lỗ hơn 460 tỷ của Sabeco bắt nguồn từ hoạt động đầu tư tài chính - Ảnh 1

Sabeco là doanh nghiệp lớn được quản lý bởi Bộ Công Thương và chưa tiến hành niêm yết. Ảnh: Internet

Dù rằng kết quả kinh doanh khá “hoành tráng” nhưng một điểm không mấy sáng sủa trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Tổng công ty này là hoạt động đầu tư tài chính.

Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất 2015, Sabeco đã đầu tư tài chính dài hạn tổng cộng 2.220 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng tới 462 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là trong năm 2015, Sabeco đã đầu tư vào các đơn vị khác 759 tỷ đồng nhưng phải trích lập dự phòng tới 441 tỷ đồng, nghĩa là các khoản đầu tư này đã giảm hơn một nửa giá trị so với lúc mua ban đầu.

Điều đáng lưu tâm hơn nữa là, các khoản đầu tư này hầu như chẳng liên quan gì đến hoạt động kinh doanh chính của Sabeco.

2 khoản đầu tư lỗ nhất của Sabeco trong số này là 2 khoản đầu tư vào 2 ngân hàng là: Ngân hàng TMCP Phương Đông và Ngân hàng TMCP Đông Á. Nếu như khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông được cho là “bết bát” khi Tổng công ty này đầu tư tới 216 tỷ đồng vào ngân hàng này nhưng giá trị thị trường tính đến hết năm 2015 chỉ còn 57 tỷ đồng thì khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á của Sabeco phải được mệnh danh là “cực kỳ bết bát” khi Tổng công ty này đã đầu tư tổng cộng 136 tỷ đồng vào ngân hàng này nhưng giá trị thị trường tính đến hết năm 2015 chỉ còn vỏn vẹn 16 tỷ đồng.

Tổng cộng 2 ngân hàng này “ngốn” của Sabeco 278 tỷ đồng cho các khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.

 

“Soi” khoản lỗ hơn 460 tỷ của Sabeco bắt nguồn từ hoạt động đầu tư tài chính - Ảnh 2

Chi tiết những khoản đầu tư tài chính không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi khiến Sabeco phải trích lập dự phòng tới 441 tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của Sabeco

Nhưng ngân hàng chưa phải là địa chỉ duy nhất khiến Sabeco phải “điêu đứng” khi đầu tư. Các công ty chứng khoán và các công ty họ nhà dầu khí cũng là những địa chỉ khiến Sabeco phải trích lập dự phòng tới hàng chục tỷ đồng trong năm 2015.

Điển hình như các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bao gồm đầu tư vào: CTCP Chứng khoán Sài Gòn A2, CTCP Chứng khoán Đại Việt và Quỹ đầu tư Việt Nam. 3 khoản đầu tư này khiến Sabeco phải trích lập dự phòng lần lượt là 36 tỷ đồng, 18 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Như vậy, 3 khoản đầu tư tài chính này đã khiến Sabeco lỗ trên 90 tỷ đồng.

Có 2 công ty họ hàng nhà dầu khí cũng là địa chỉ đầu tư của Sabeco và cũng khiến Tổng công ty này phải “nếm trái đắng”, đó là khoản đầu tư 51 tỷ đồng vào CTCP PVI Sài Gòn và khoản đầu tư 30 tỷ đồng vào CTCP Điện lực Dầu khí Phương Đông. Mỗi khoản đầu tư này đều khiến Sabeco phải trích lập dự phòng lần lượt 39 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.

 

“Soi” khoản lỗ hơn 460 tỷ của Sabeco bắt nguồn từ hoạt động đầu tư tài chính - Ảnh 3

Sabeco chấp nhận “mất trắng” khoản đầu tư vào Vinashin. Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của Sabeco

Thêm vào đó, Sabeco cũng phải chịu mất toàn bộ khoản đầu tư dài hạn 20,86 tỷ đồng vào “cú đấm thép” Vinashin.

Đầu tư tài chính không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi rồi dẫn đến thua lỗ là chuyện khá phổ biến ở các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có Sabeco. Thiết nghĩ, việc sớm thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với Sabeco theo như kiến nghị của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) là hoàn toàn chính đáng và cần thiết.

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục