Những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai

(Kinhdoanhnet) – Thời gian gần đây Công ty cổ phần HAGL đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đến từ các khoản nợ và lãi phải trả, cùng với đó là sự sụt giảm về kết quả kinh doanh, cổ phiếu HAG và HNG tụt đáy. Thế nhưng trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có những điểm sáng có thể là cứu cánh cho HAGL.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong báo cáo tài chính quý 2/2016 mới công bố cho thấy, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong quý 2/2016, HAGL báo lỗ tới 1.244 tỷ đồng dẫn tới kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm lỗ tới 1.153 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi 913 tỷ đồng.

Trong quý 2/2016, HAGL ghi nhận tổng nợ vay là 26.683 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 27.099 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 10.212 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ so với đầu năm; vay dài hạn giảm từ 18.801 tỷ đồng xuống còn 16.472 tỷ đồng. Đáng chú ý là những khoản vay lớn của HAGL tại BIDV vào khoảng 10.664 tỷ đồng, Eximbank là 3.955 tỷ, Ngân hàng liên doanh Việt Lào là 2.253 tỷ, HDBank là 2.236 tỷ… Tổng nợ phải trả của HAGL tính đến hết quý 2/2016 đã lên tới con số 33.023 tỷ đồng.

Trong kỳ HAGL phải đối mặt với hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh đi xuống. Đặc biệt, các khoản thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM báo lỗ 413 tỷ đồng, lỗ từ đánh giá lại các tài sản không hiệu quả của HAGL là 530 tỷ đồng. Cùng với đó là sự sụt giảm mạnh đến từ giá cao su. Cụ thể, giá cao su đã sụt giảm trong năm 2015 chỉ còn khoảng 1.000 USD/tấn trong khi hồi đầu năm 2011 vẫn đang ở mức rất cao là 5.750 USD/tấn.

Các chi phí hoạt động của HAGL cũng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm, trong khi doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.658 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015. Thì giá vốn hàng bán lại tăng gần gấp đôi từ 1.821 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên tới 3.067 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng với đó là chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 815 tỷ đồng, đặc biệt trong số đó có tới 782 tỷ đồng là chi phí phải trả từ lãi vay. Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng mạnh trong kỳ.

Với những thông tin không mấy tốt đẹp về cả kết quả kinh doanh và các khoản vay đến hạn phải trả. Cùng với những khoản lãi phải trả đến từ các khoản nợ vay tiếp tục bào mòn tài sản của HAGL. Cổ phiếu HAG và HNG đã có lúc lao xuống đáy ở mức 5.100 đồng/cổ phiếu, đây là mức giao dịch thấp nhất kể từ khi HAGL niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Hiện tại cổ phiếu HAG và HNG vẫn quanh quẩn ở mức 6.000 – 7.000 đồng/cổ phiếu.

Những điểm sáng với hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai

Đối mặt với hàng loạt khó khăn ập đến thế nhưng HAGL vẫn có những dấu hiệu khá tích cực từ các khoản đầu tư cũng như lựa chọn kinh doanh của mình. Cùng với đó là sự giúp đỡ từ chính các chủ cho vay của mình.

Cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt, 3 loại cây được HAGL trồng khắp Việt Nam, Lào và Campuchia là mía đường, dầu cọ và cao su đang có dấu hiệu tăng giá trong bối cảnh lượng cung trên thế giới đang giảm sút. Dù giá cao su đã giảm rất nhiều so với năm 2011, nhưng nếu tính từ đầu năm 2016 tới nay giá cao su đã tăng tới 40% và có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, HAGL cũng đã chủ động hạn chế mở rộng diện tích cạo mủ và chờ đợi giá phục hồi. Hiện tại, HAGL có hơn 38.400 ha cao su trồng tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. HAGL cũng đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào, đến năm 2022 toàn bộ diện tích cao su sẽ được khai thác.

Cùng với cao su, mía đường cũng là loại cây được HAGL đầu tư rất mạnh, HAGL đã hoàn tất cụm đầu tư công nghiệp mía đường tại tỉnh Attapeu ở Lào. Mía đường là ngành sản xuất mà HAGL nhận được nhiều ưu đãi khi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Năm 2016, HAGL sẽ được nhập đường với thuế suất 0%, cùng với đó giá đường tính từ đầu năm đến nay đã tăng 11%. Dự kiến nhà máy chế biến cọ dầu với công suất 45 tấn buồng quả tươi/giờ sẽ đi vào hoạt động trong quý 4/2016.

Ngành chăn nuôi cũng là một ngành chủ đạo của HAGL, hiện tại quy mô đàn bò thịt của HAGL là 130.000 nghìn con và bò sữa là 7.500 con. Trong kỳ 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ bán bò thịt đang là ngành đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL.

Dự án HAGL Myanmar Center cũng ghi nhận đạt tỷ lệ cho thuê cao khi có tới 60% cao ốc văn phòng đã được cho thuê, trung tâm thương mại cho thuê được 95% và khách sạn 5 sao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2016.

Đặc biệt, HAGL còn nhận được sự giúp đỡ từ phía chính chủ nợ của mình. Theo tính toán, trong năm 2016 và 2017 HAGL sẽ phải đối mặt với một loạt khoản vay đến hạn thanh toán trước tình hình kinh doanh đang khó khăn, việc thanh toán những khoản vay lên tới hàng ngàn tỷ đồng đối với HAGL là vô cùng khó. Trong tháng 4/2016, 10 TCTD đang là chủ nợ của HAGL đã nhóm họp và đưa ra phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL. NHNN đã chấp thuận ý kiến của các ngân hàng và có văn bản trình Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL. Cụ thể phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL là, gia tăng kỳ hạn trả nợ từ trong năm 2016 có thể kéo dài tới 7 năm. Lãi suất một số khoản vay hiện tại là 11% giảm xuống còn 6,5-7% đối với những khoản nợ đầu tư vào nông nghiệp và các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích, như vậy nếu phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL được Chính phủ thông qua, HAGL sẽ giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí lãi vay.

Các ngân hàng cũng thống nhất không đưa các khoản nợ của HAGL vào danh mục nợ xấu vì nếu đưa vào danh mục nợ xấu HAGL sẽ phải chịu thêm lãi suất phạt, cùng với quy định nếu một khoản nợ của HAGL ở 1 ngân hàng bị đưa vào mục nợ xấu thì toàn bộ nợ vay của HAGL ở tất cả các ngân hàng khác cũng sẽ bị coi là nợ xấu như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc vay vốn đầu tư sau này của HAGL.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục