Vinatex: 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 15%

Theo tổng giám đốc Vinatex cho biết, xuất khẩu toàn ngành đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó Tập đoàn đóng góp 1,62 tỷ USD, tăng 15%.

Chiều 8/7/2014, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex cho biết, xuất khẩu toàn ngành đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó Tập đoàn đóng góp 1,62 tỷ USD, tăng 15%.

Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng về doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận trên 10% như May Việt Tiến, Dệt Việt Thắng, Dệt may Hà Nội, Dệt may Nam Định, May Đức Giang, Dệt may Huế, May Đáp Cầu, Sợi Phú Bài, May Chiến Thắng, Dệt 8/3, May 10, May Phương Đông, May Nhà Bè, May Đồng Nai, May Bình Minh….

Bên cạnh xuất khẩu, doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2014 của Vinatex ước tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Với các giải pháp đồng bộ, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn tăng dần 15.740 tỷ đồng (năm 2010) lên 20.800 tỷ đồng (năm 2013), tăng trung bình 8 - 10%/năm.

Về lĩnh vực đầu tư, Tập đoàn chú trọng đẩy nhanh tiến độ dự án trên các lĩnh vực cốt lõi (Sợi, Dệt nhuộm, May, phân phối) theo chiến lược tăng giá trị, theo định hướng ODM và sẵn sàng đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh đó Tập đoàn triển khai các dự án sản xuất nguyên liệu dệt may, cung cấp đầu vào cho ngành dệt may (cây bông, xơ visco, len lông cừu, sợi) nhằm giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may, tăng năng lực sản xuất của Tập đoàn thêm 600 tấn sợi/tháng; 400 tấn vải dệt nhuộm/tháng và 2 triệu sp may/tháng.

Ông Trần Hữu Phong - Phó Ban quản lý dự án sợi Phú Hưng phát biểu tại Hội nghị cho biết với tinh thần chủ động, sự quyết tâm cao của Ban quản lý dự án, dự án đã vượt tiến độ hơn 1 tháng so với thời gian đặt ra và phát huy tốt hiệu quả. Ngày 25/06 dự án bắt đầu chạy thử, dự kiến cuối tháng 7 chính thức chạy 15.600 cọc đầu tiên và cuối năm hoàn thành 21.400 cọc, tháng 8/2014 mẻ sợi đầu tiên sẽ được xuất sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan.

Đặc biệt 6 tháng đầu năm đánh dấu những bước chuẩn bị cuối cùng để Tập đoàn Dệt May Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động Tập đoàn cổ phần. Ngày 23/6/2014, Tập đoàn đã phát hành thông báo cáo bạch thông tin CPH Tập đoàn. Trong 2 ngày 2 và 4/7/2014, tổ chức thành công Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Vinatex tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngày 22/7/2014, Tập đoàn sẽ chính thức IPO tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Trước bước chuyển mình quan trọng, tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận thẳng thắn về các giải pháp, kinh nghiệm, những thuận lợi cũng như khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó các đại biểu tập trung đi sâu vào chuỗi liên kết trong Tập đoàn nhằm phát huy yếu tố cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong thời gian qua các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã thực hiện “liên kết thực”, cụ thể như May 10 và Dệt 8/3, Đông Phương với Việt Tiến… và sắp tới sẽ triển khai giữa Hanosimex với Đông Phương, Bình An với Phong Phú… Đây sẽ là một trong những tiêu chí để Tập đoàn đánh giá người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong năm tới.

Để đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2014 như doanh thu tăng trưởng 12% so với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu (tính đủ NPL) tăng 12% và lợi nhuận tăng 13%, Tập đoàn đề ra nhiều nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có một số giải pháp trọng tâm về chiến lược phát triển chung, đầu tư, thị trường và nguồn nhân lực.

Theo DVO

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục