Muốn giải quyết nợ triệt để
Chính phủ đã ban hành các giải pháp tái cơ cấu tài chính cho Vinalines hồi đầu tháng 5-2014, trong đó có các giải pháp yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ gốc, giãn nợ, xóa lãi, giảm lãi cho Vinalines. Tuy nhiên, chỉ giải pháp khoanh nợ gốc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến hết năm 2015 và xóa 281 tỉ đồng tiền lãi vay có thể giúp Vinalines giảm ngay được nợ. Các giải pháp còn lại chủ yếu vẫn phụ thuộc vào kết quả Vinalines đàm phán với các ngân hàng.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn thừa nhận với TBKTSG rằng khả năng một số tổ chức tín dụng khác sẽ tiếp tục khởi kiện Vinalines (sau BIDV và HSBC - NV), nếu Vinalines không đưa ra được một lối thoát đồng bộ cho tất cả các chủ nợ, trên cơ sở cùng cân nhắc và chia sẻ rủi ro với từng chủ nợ.
Thực ra kể cả khi Vinalines được khoanh nợ gốc đến năm 2016 và giảm lãi đến 1.230 tỉ đồng thì tình hình của Vinalines cũng hết sức khó khăn vì áp lực trả nợ vẫn phát sinh sau năm 2016. Áp lực trả nợ cộng với tình trạng sản xuất kinh doanh cải thiện một cách chậm chạp thì khả năng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ (hiện đang dương) sẽ giảm dần và dẫn đến mất vốn vào năm 2022. Nếu không được tái cơ cấu nợ như chủ trương hồi tháng 5 của Chính phủ thì việc mất vốn đến nhanh hơn, ngay từ năm 2017.
Vậy Vinalines muốn tái cơ cấu triệt để các khoản nợ theo cách nào?
Một là cho phép Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ (DATC - Bộ Tài chính) đàm phán với các ngân hàng mua lại hơn 10.000 tỉ đồng tiền nợ của Vinalines do Vinalines không thể trực tiếp đứng ra mua lại nợ của mình. Tỷ lệ chiết khấu các khoản nợ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa DATC và từng chủ nợ. Sau đó, Vinalines nhận lại nợ từ DATC bằng giá trị DATC đã mua và trả cho DATC phí quản lý các khoản nợ này.
Hai là cho phép Vinalines được sử dụng nguồn thu từ IPO các cảng trong thời gian qua và thời gian sắp tới để bổ sung vốn điều lệ còn thiếu và nhất là dùng tiền này để trả nợ cho DATC. Số tiền dự kiến thu được từ IPO khoảng 653 tỉ đồng.
Ba là cho phép Vinalines được tiếp tục thoái vốn tại các cảng Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Cam Ranh...xuống mức 51% để tạo ra dòng tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng phục vụ tái cơ cấu nợ.
Vinalines cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho quay lại chương trình "Cải cách doanh nghiệp nhà nước" giai đoạn 2 mà họ từng bị loại do chương trình này có những khoản tài trợ vốn kéo dài đến 25 năm và ân hạn 8 năm với lãi suất rất thấp để Vinalines có tiền trả các khoản nợ đã vay với lãi suất cao.
Phải gỡ nhiều quy định
Các đề xuất này của Vinalines rất khó thực hiện, thậm chí còn khó hơn cả việc phát hành trái phiếu đảo nợ vì đều vướng các quy định hiện hành và nếu giải quyết cho Vinalines thì sẽ tạo ra tiền lệ, điều mà Chính phủ phải cân nhắc.
Đề xuất Chính phủ giao cho DATC mua nợ của Vinalines từ các ngân hàng chính là hình thức mua nợ theo chỉ định. Thông thường, DATC sẽ mua theo giá thị trường, tham gia tái cơ cấu để bán kiếm lời chứ chưa khi nào mua để "ăn" phí quản lý và cơ chế mua nợ chưa cho phép họ mua theo kiểu này.
Nếu phương án này được thông qua thì Chính phủ cũng phải cho phép Vinalines được giữ lại nguồn tiền thu được từ IPO các cảng (ước tính 653 tỉ, nay đã thu được 260 tỉ), thay vì thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo đúng quy định, để có tiền mua lại nợ từ DATC.
Vietnam Airlines cũng đang xin Chính phủ giữ lại toàn bộ phần thặng dư sau cổ phần hóa để tăng vốn đầu tư tại doanh nghiệp. Nếu Vietnam Airlines được phép, thì tiền lệ này có thể mang đến cho Vinalines cửa thoát một phần nợ. Dù vậy thì số tiền dự kiến thu về cũng không thể có ngay trong một vài năm bởi lẽ khi IPO các cảng đều bị "ế". Cảng Hải Phòng, dù làm ăn có lãi cũng chỉ bán được 46% trong tổng số 25% số cổ phần chào bán ra bên ngoài. Tỷ lệ này ở các cảng Quảng Ninh, Nha Trang... còn èo uột hơn.
Đề xuất về việc cho phép Vinalines thoái vốn tại các cảng biển xuống còn 51% không chỉ giải quyết chuyện dòng tiền trước mắt cho Vinalines mà còn có ý nghĩa đường dài, nhằm tăng thêm tính hấp dẫn cho cổ phiếu cảng biển. Bởi lẽ với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ 75% sau IPO, sự chi phối của Nhà nước còn lớn, thì khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Hiện cả hai đề xuất trên đều phải chờ phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Vinalines trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay vì chúng gắn trực tiếp với phương án này.
Đề nghị cuối cùng là quay lại chương trình "Cải cách doanh nghiệp nhà nước" càng khó được chấp thuận do ADB kiểm soát chặt đối tượng vay vốn.
Theo Ngọc Lan