Vì sao PVC chìm trong thua lỗ?

(Kinhdoanhnet) - Nhiều năm liền thua lỗ, trong năm 2014 Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lại tiếp tục thua lỗ nặng nề với khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên tới khoảng hơn 400 tỷ đồng.

PVC tiếp tục thua lỗ?

Trong những năm 2009, 2010 PVC vẫn đều đặn báo lãi năm sau cao gấp đôi năm trước. Chỉ đến 2011, công ty bất ngờ giảm lãi 63% và từ năm 2012 trở đi chìm ngập trong thua lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Ngày 07/06/2014, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã tổ chức ĐHCĐ thường niên lần thứ 2 sau khi cuộc họp lần 1 bất thành. Tại đại hội thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, PVC tiếp tục lỗ khoảng hơn 400 tỷ. Dự kiến đến hết năm 2014 khoản lỗ này sẽ tiếp tục tăng lên đến 1.000 tỷ, điều này sẽ khiến cho PVC hết vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên nếu như nhờ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tái cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau, thì có thể  PVN chịu giảm lãi và lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC khoảng 3.600 tỷ.

Vừa qua PVC đã tiến hành thoái vốn được thêm tại một công ty là Fecon Mining, thu về 45 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này không là gì so với khoản lỗ mà PVC đang phải chịu.

Vì sao PVC chìm trong thua lỗ? - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, PVC tiếp tục lỗ khoảng hơn 400 tỷ. 

Chỉ tính riêng trong quý I/2014, PVC lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 163 tỷ đồng. Tại ngày 31/3, PVC còn khoản lỗ lũy kế trên 3.360 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp lỗ nặng nhất trên sàn chứng khoán trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ còn 672 tỷ đồng, giảm gần 175 tỷ đồng so với đầu năm.

Nếu như trước đây cổ phiếu của PVC luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên cả 2 sàn thì trong vài năm trở lại đây nhà đầu tư đến với cổ phiếu PVC chủ yếu với kỳ vọng ở những con sóng ngắn hạn.

Lên sàn vào năm 2009, giá đóng cửa phiên đầu tiên của PVX đạt tới 27.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch trên 5,1 triệu đơn vị. Từng có thời điểm mã này tăng giá lên trên 30.000 đồng vào năm 2010 nhưng không duy trì được lâu. Từ năm 2011, PVX liên tục giảm giá và thậm chí còn xuống dưới mệnh giá.

Nguyên nhân vì đâu?

Trong năm 2013, Công ty mẹ PVC triển khai chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp (Vũng Áng, Thái Bình,...), đối với các phần việc mới (dự án Nghi Sơn, Viện Dầu khí phía Nam, dự án Âu tàu Rạch Chanh) đều đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc bắt đầu triển khai vào các tháng cuối năm, chậm nhiều so với dự kiến ban đầu, dẫn đến sản lượngdoanh thu thực hiện cả năm đạt thấp.

Ngoài ra các khoản lỗ từ đầu năm tới nay cũng bắt nguồn từ việc các khoản chi phí dở dang nằm trong phần phát sinh các công trình chưa được chủ đầu tư phê duyệt, các khoản lỗ tại các đơn vị thành viên chưa thể hiện hết, các khoản phải thu của các đơn vị đang rất khó khăn về tình hình tài chính như PVC-SG, PVC-ME, PVC-HN, PVC-MT… và các khoản PVC đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị thành viên đã quá hạn.

Trong khi đó tổng công ty PVC còn bảo lãnh vay vốn cho các công ty con nhưng không có khả năng thanh toán như PVC Miền Trung, PVC ME, PVC HN, Công ty CP Khách sạn Lam Kinh

Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí còn bị mất hết vốn khi đầu tư vào một số công ty, trong đó PVC đã "mất trắng"  147,3 tỷ đồng khi đầu tư vào Công ty CP Xi măng Hạ Long hay như việc đầu tư tại Công ty CP Đầu tư bê tông công nghệ cao Sopewaco 10,2 cũng trong tình trạng tương tự.

Ngoài ra,theo thống kê hầu như các công ty con kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nặng nề. Trong khi đó PVC lại đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị sai quy định, hoạt động kinh doanh của các đơn vị được bảo lãnh không hiệu quả, không có khả năng trả nợ dẫn đến Tổng công ty phải trả nợ thay và trích lập dự phòng vào chi phí của Tổng công ty mẹ.

T.T (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục